Dữ liệu cũ
Thứ tư, 08/01/2014, 01:25 AM

Những nơi “đốt tiền” trong dịp lễ tạ cuối năm

Theo dân gian, đầu năm đã sắm lễ để “xin lộc”, cuối năm nhất định gia chủ phải làm lễ tạ. Nếu đầu năm đã “vay lộc thánh”, hầu đồng “xin lộc mẫu”, cuối năm phải thu xếp “trả lễ” để được “tiếp nối linh thiêng” xin “lộc xa lộc gần” cho năm mới.

Tiền lễ tràn dưới sàn trong phủ Tây Hồ ngày đầu năm 2014
Chỉ ở Việt Nam mới có kiểu nhét tiền vào tay tượng Phật!

Rong ruổi hành trình lễ tạ cuối năm…

4g sáng, phố phường Hà Nội vẫn còn ẩn mình trong màn sương lạnh ngày cuối năm, đoàn đi lễ tạ đã sẵn sàng xuất phát. Trên chiếc xe 7 chỗ, ngoài lái xe chỉ có mấy chị em ngồi gọn gàng phía trước, toàn bộ hàng ghế và khoang sau chật cứng đồ lễ. Chị Hòa, “trưởng ban đi lễ” giục giã: “Các cô có nhanh lên không, chậm chút nữa là qua mất giờ xuất hành đại cát”. Chiếc xe chạy về hướng chùa Hương, trên xe chị em bàn luận rôm rả về công việc làm ăn năm qua. Nói chung, với một năm suy thoái kinh tế, hầu như lĩnh vực nào cũng “xuống dốc”.

Tới chùa Hương, lác đác có một vài hàng quán bắt đầu mở cửa, lái xe “phá lệ” cho xe vào thẳng gần sát đền Trình. Đền Trình tọa lạc dưới chân một dãy núi gồm 5 ngọn liền kề nhau mang tên núi Ngũ Nhạc.

Đã quá quen thuộc nơi này, mấy chị em khẩn trương sắp lễ chay mặn đầy đủ. Theo thông lệ, lễ tại đây bao giờ cũng có xôi gấc, gà luộc, rượu, bánh kẹo, hoa quả đủ màu, sớ tạ cuối năm, tiền vàng các loại đầy đủ cùng tiền trần cài vào mâm lễ. Cụ thủ từ trịnh trọng đưa mấy chị em dâng lễ vào hậu cung, bước qua ngạch cửa, chốn hậu cung hiện ra với đèn nến sáng choang, hương thơm ngan ngát. Sau khi thành tâm lễ bái, cảm tạ các Ngài đã “vuốt ve che chở” cho các “đệ tử” một năm làm ăn “xuôi chèo mát mái”, chị Hòa xin tiền đài âm dương được “nhất âm, nhất dương”, mấy chị em lấy làm phấn khởi mang tiền vàng đi “hóa”. “Hóa vàng” xong, hầu như ai đi lễ đền Trình cuối năm cũng đứng ở bến ra suối Yến để chắp tay “vái vọng” vào động Hương Tích.

Cả đoàn tranh thủ ăn sáng rồi tiếp tục đi lễ đền Đức Thánh Cả ở thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ngôi đền cổ có tuổi thọ hơn nghìn năm còn có tên đền Thiên Vựng, thờ một vị tướng “Nhất phẩm Đại Vương” thời Lý Nam Đế.

Đền được xây dựng theo kiểu chữ “tam” gồm: Đại bái, trung cung và hậu cung. Tương truyền, nơi tôn nghiêm nhất là hậu cung, nơi đây có đặt long ngai, bài vị của thần và các cổ vật quý hiếm. Đây cũng chính là nơi có “long mạch” thông ra sông Đáy, tạo nên nét độc đáo và linh thiêng của ngôi đền này.

Chẳng mấy chốc, xe đã tới đền Đức Thánh Cả. Bước xuống xe, cả đoàn cảm thấy thật sảng khoái khi rảo bước theo con đường nhỏ sạch sẽ dưới tán những rặng nhãn xanh tốt hướng vào đền. Ngôi đền ở vị thế tuyệt đẹp khi lưng tựa vào dãy núi Hàm Long, mặt tiền hướng ra dòng sông Đáy uốn lượn mềm mại như dải lụa.

Công cuộc “sắp lễ” lại được tiến hành khẩn trương. Ngoài một mâm lễ ngay tại chỗ, gồm đồ lễ mặn, cau trầu, hoa quả bánh kẹo cùng rất nhiều tiền vàng, tiền trần, người đi lễ còn phải sắp một mâm tương tự để dâng vào hậu cung. Mâm lễ dâng vào hậu cung còn kèm theo số tiền thật không nhỏ cùng tờ khai tên tuổi, địa chỉ để nhờ nhà đền viết sớ, dâng lễ giúp gia chủ vào đêm giao thừa. Cả đoàn lại thành tâm lễ Thánh rồi vội vã quay xe về Hà Nội.

Về tới Hà Nội, vội vã ăn trưa, cả đoàn lại đi Bắc Ninh lễ tạ Bà Chúa Kho. Bà Chúa Kho tên thật là Lý Thị Châu, bà đã có công lớn trong việc bảo vệ kho lương, chuẩn bị hậu cần giúp nhà Trần chống quân Nguyên. Bà được vua Trần Nhân Tông phong là Chủ Khố Phu Nhân, và được nhà vua truyền dựng đền thờ Bà ngay tại khu vực kho lương để thờ cúng. Theo lời đồn trong giới làm ăn, nếu đầu năm ai “vay” tiền vàng của Bà thì năm đó làm ăn sẽ nhiều lộc, mọi việc thông đồng bén giọt nhưng phải luôn lưu ý cuối năm trả lễ vào kho của Bà thật hậu hĩnh.

Tới đền Bà Chúa Kho, phải vất vả lắm lái xe mới cho được xe vào bãi và chị em trong đoàn thoát khỏi những người bám theo đề nghị sắp lễ giúp. Theo kinh nghiệm, đoàn đi lễ thường sắm lễ từ Hà Nội với lễ chay mặn chia thành từng nơi, màu của hoa quả và tiền vàng cũng phải tùy theo nơi đặt lễ để sắp cho đúng. Đặc biệt, những ai đầu năm đã “vay” của Bà thì phải lo một số lượng lớn tiền vàng, hài, đồ trang sức để trả lễ Bà. Nếu đến đây mới sắp lễ thì ít nhất một mâm tiền vàng như vậy cũng ngót 500 nghìn đồng chưa kể tiền bồi dưỡng cho người “kêu thay lạy đỡ”. Sau khi lễ đủ hết các ban, thành tâm lễ tạ, thành tâm trả lễ vào kho của Bà và “hóa” một số lượng lớn vàng mã, cả đoàn trở về Hà Nội khi trời đã sẩm tối.

Muôn kiểu lễ tạ…

Mỗi năm, cứ vào dịp tháng Chạp, nhà nhà, người người hăm hở lên đường lễ tạ ở những nơi đã “xin lộc” đầu năm. Có những người đầu năm cầu an giải hạn ở chùa, đền phủ nào thì cuối năm dù bận đến mấy cũng cố thu xếp thời gian để tới lễ tạ và lại đăng ký danh sách cầu an giải hạn cho năm tới. Việc này giúp cho mọi người cảm thấy yên tâm, thanh thản hơn để bắt đầu vào một năm mới.

Chỉ trong khu vực Hà Nội, mọi người cũng thường chen chân cầu an, giải hạn đầu năm và lễ tạ cuối năm ở những chùa, phủ lớn và nổi tiếng như: Chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên, Phủ Tây Hồ… cùng một số lượng lớn tiền vàng được hóa khi lễ tạ cuối năm.

Ngoài ra, có những người thường rủ nhau đi lễ xa theo những lịch trình định sẵn như: Đền Trình, đền Đức Thánh Cả, Bà Chúa Kho, Mẫu đền Sòng, cô Bơ, ông Hoàng Mười… Các thanh đồng thường hầu đồng lễ tạ tại những nơi đầu năm đã “tỏa bóng”, cuối năm có điều kiện lại xin được hầu tạ. Từ rằm tháng Chạp đến trước Tết, các đền như: Đền Mẫu Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Mẫu Thác Bờ (Hòa Bình), đền ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà (Lào Cai) lại tấp nập, rộn ràng với những cuộc hầu đồng lễ tạ. Mỗi một cuộc lễ tạ đường dài cũng ngót chục triệu đồng, nếu hầu tạ cho ra dáng “đồng sang bóng lịch sự” cũng vào khoảng 50 triệu đồng.

* * *

Nhu cầu đi lễ tạ cuối năm của người dân xuất phát từ những quan niệm dân gian, yếu tố tâm linh, điều đó cũng không thể phủ nhận hoàn toàn. Nhưng trong khi kinh tế suy thoái, biết bao gia đình đang khốn khó chạy ăn từng bữa trong cái rét lạnh cuối năm thì có những người sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng “ném” vào lò hóa vàng lễ tạ. Giá như, những người đang hăm hở đi lễ tạ, hầu tạ kia bớt lại những việc làm lãng phí, mê tín dị đoan, dùng những đồng tiền ấy hỗ trợ những phận nghèo trong xã hội thì tốt biết bao.

(Theo PL&XH)

Nguồn: vietnamnet.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.