Những ngôi chợ “thêm vui” trong ba ngày Tết
(NTD) - Trong lúc ngày mồng 1, mồng 2 Tết, các chợ ở Việt Nam đều vắng, thì ngược lại với thông lệ này, chợ Gia Lạc (ở thôn Nam Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hay chợ đình ở làng Bích La (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) lại... đông vui nhộn nhịp. Điều đặc biệt là những chợ này họp trên một khu đất bình thường không phải là chợ và mỗi năm chỉ họp đúng ba ngày Tết, sau đó giải tán, chờ đến năm sau.
Lễ cầu thần Kim Quy ở chợ đình Bích La. |
Chợ Gia Lạc
Gia Lạc, nghĩa là “thêm vui”, địa danh này nằm cách trung tâm TP.Huế khoảng 3 km về hướng Vĩ Dạ và cách bờ sông Hương khoảng 300 m. Gia Lạc nằm sát chợ Nam Phổ và đối diện với chợ Dinh ở phía bên kia sông, 2 địa danh thuộc loại lâu đời nhất của đất thần kinh đã đi vào văn học. Theo sử sách, chợ Gia Lạc do Định Viễn quận vương Nguyễn Phước Bình - con thứ 6 của vua Gia Long lập ra dưới thời Minh Mạng (Tết Nguyên đán Bính Tuất, năm 1826). Lúc đầu, chợ ra đời từ một thú vui của Định Viễn quận vương: Nơi để tập trung vui chơi trong mấy ngày xuân của các ông hoàng, bà chúa và tầng lớp thị dân quanh vùng Vĩ Dạ. Dần theo thời gian, chợ còn là nơi để trao đổi, mua bán hàng hóa, sản vật, các món ăn ngày Tết. Định Viễn quận vương cũng là người gắn liền với câu ca làm bao nhiêu người thắc mắc: “Chợ Dinh bán áo con trai”.
Người ta thắc mắc bởi chợ Dinh thời ấy có bao nhiêu là hàng hóa, sao chỉ mỗi “áo con trai” là được nhắc đến. Có người giải thích rằng: Ngày xưa do Định Viễn quận vương thời gian đầu hiếm muộn con, nên thường bỏ tiền mua toàn lụa may áo con trai rất đẹp, sau đó đem qua chợ Dinh bán rất rẻ để cầu phúc, cầu tự. Thiên hạ thời đó kháo nhau đi mua nên mới phát sinh ra câu ca trên. Cũng có lẽ vì thế mà sau này khi sinh được công tử Tĩnh Cơ, Định Viễn quận vương mới sinh liền một mạch... 42 con trai và 31 con gái.
Mua bán lộc đầu năm ở chợ đình Bích La. |
Chợ đình Bích La
Chợ đình Bích La, quê hương của họa sư Lê Bá Đảng, lại gắn liền với truyền thuyết về thần Kim Quy. Đại ý ở hồ nước trước đình làng Bích La, có một con rùa vàng sinh sống. Hàng năm, vào đêm mùng 2 và rạng sáng mùng 3 Tết Âm lịch, khi con cháu trong làng đi du xuân, đến đình cầu xin tài lộc, rùa vàng sẽ nổi lên mặt nước để chứng giám và ban “lộc”. Nhưng một năm nọ, khi con cháu đã tề tựu đông đủ bên đình làng với lễ bạc lòng thành, nhưng rùa vàng không xuất hiện nữa.
Các bô lão trong làng lo lắng, đoán có điềm chẳng lành. Quả nhiên năm đó, dân làng Bích La lâm vào cảnh khó khăn khi “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô quắt lại”. Kể từ đó, vào mỗi dịp xuân về, dân làng Bích La Ngũ Giáp không quên chuẩn bị lễ gọi rùa vàng. Họ chế tác một con rùa màu vàng như rùa thật, đặt chìm dưới lòng hồ ở đình làng để làm lễ cầu thần. Cứ đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 Tết, người dân tập trung trước đình Bích La, đánh trống khua chiêng thật lớn để gọi rùa vàng nổi lên, ban phát “lộc” và chứng giám lời cầu nguyện một năm mới an lành.
Tuy nhiên, điều đặc biệt khiến hàng ngàn người nửa đêm vượt đường dài đến đình làng Bích La chính là phiên chợ mua bán “lộc” sau khi kết thúc phần lễ gọi rùa vàng. Đó là một phiên chợ mà người bán không bao giờ nói thách và người mua cũng không bao giờ trả giá. Mỗi người đến đây đều quan niệm rằng, người bán cốt để cầu “may”, người mua cốt để lấy “lộc” đầu năm. Đại đa số người đến với chợ Bích La hay Gia Lạc, già, trẻ, gái, trai, đều không phải vì nhu cầu mua - bán, mà vì thói quen, vì một tập tục đẹp đã có từ lâu đời. Họ lấy vui, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp.
Những ngôi chợ “thêm vui” ở Gia Lạc và Bích La đã tồn tại gần 200 năm. Và trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, chợ Gia Lạc và Bích La cũng theo đó mà có sự đổi thay về hình thức mua bán, vui chơi giải trí trong những ngày Tết. Sau năm 1945, vì nhiều lý do nên chợ Gia Lạc đã nhiều lần họp - ngưng ngắt quãng, năm có, năm không. Hiện tại, hình thức họp chợ Gia Lạc đầu xuân vẫn còn, nhưng chỉ tồn tại dưới hình thức “xưa bày nay làm”.
Một “thú chơi” nhân bản Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, một trong những lý do ít được đề cập về nguyên nhân ra đời của chợ Gia Lạc hay chợ đình Bích La chính là “thú chơi” rất nhân bản của tầng lớp quý tộc thời xưa: Thay vì cứu trợ cho người nghèo vào dịp Tết như bây giờ thì thời đó, các quý tộc, quan lại lập ra những ngôi chợ để thu mua sản vật nhằm giúp người nghèo có tiền đón Tết. Những sản vật đó thường họ không dùng mà đi biếu lại cho những bà con lối xóm có hoàn cảnh khó khăn hơn, coi như 2 lần làm từ thiện. Đó mới chính là tinh thần, ý nghĩa nhân văn cao đẹp của chợ Gia Lạc và Bích La. |
Khánh Tường
Bình luận
Nổi bật
VinFast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
sự kiện🞄Thứ năm, 31/10/2024, 13:30
(CL&CS) - Hà Nội, ngày 31/10/2024 - VinFast và đối tác FGF công bố hợp tác triển khai chương trình “Thu cũ - Đổi mới” đặc biệt kể từ ngày 1/11/2024 nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho các chủ sở hữu ô tô xăng trên toàn quốc chuyển đổi xanh sang các dòng ô tô điện VinFast VF 7, VF 8 và VF 9. Theo đó, FGF sẽ hỗ trợ khách hàng bán xe xăng cũ theo đúng giá thị trường với thủ tục dễ dàng, nhanh chóng để nhận ưu đãi lên tới 120 triệu đồng từ VinFast khi chuyển sang sử dụng các dòng ô tô điện cao cấp.
Tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
sự kiện🞄Thứ năm, 31/10/2024, 13:30
(CL&CS) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Chủ xe VF 5 Plus: “Không mẫu xe nào trong tầm giá cho cảm giác lái đã như thế này”
sự kiện🞄Thứ năm, 31/10/2024, 09:15
(CL&CS) - Sau một năm sử dụng, anh Nguyễn Công Hoàn (Hà Nội) nhận định chiếc VinFast VF 5 Plus đáp ứng hoàn hảo các nhu cầu của gia đình anh. Với các chính sách hỗ trợ đang được triển khai, chi phí sử dụng chiếc xe anh phải bỏ ra là 0 đồng.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.