Thứ năm, 17/10/2019, 14:41 PM

Người dân đủ cơ sở để yêu cầu Viwasupco đền bù thiệt hại

(NTD) - Liên quan đến việc nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm do dầu thải, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, luật sư cho rằng, người dân hoàn toàn có cơ sở để khởi kiện vụ án và yêu cầu đền bù thiệt hại.

Một số cán bộ của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phát hiện việc này từ sáng 8/10/2019, nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, cũng như Hà Nội. Công ty này cũng không ngăn chặn ô nhiễm theo quy định, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân…

2601_cong-ty-nuoc-sach-song-da-thu-hang-tram-ti-do
Nước sạch bị ô nhiễm, người dân hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi kiện đơn vị liên quan và yêu cầu đền bù thiệt hại

Vô cảm, coi thường tính mạng sức khỏe người dân

Vừa qua, Bộ TN&MT và Viwasupco đã thừa nhận nước sạch tại Hà Nội có hiện tượng bốc mùi khó chịu, do nhiễm dầu. Kết quả mẫu xét nghiệm đều cho thấy, trong nước có hàm lượng styren, thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần, chỉ tiêu mùi vị cũng không đạt...

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng, mà vẫn cấp nước, hành vi này hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra”.

Luật sư Diệp Năng Bình còn cho biết: “Bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ, khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình... Do đó, người dân hoàn toàn đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại gây ra”.

luat-su-1571181857
Luật sư Diệp Năng Bình ,Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Cũng theo Luật sư Bình,ì trong trường hợp để xảy ra việc nước ô nhiễm gây ảnh hưởng tới đời sống người dân, phía Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đã không làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phát hiện ra sự cố này. Cho dù, hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức, nhưng không thể không nói Sở TN&MT không có trách nhiệm.

Mặc dù, Viwasupco thừa nhận đã phát hiện nguồn nước bị nhiễm dầu, tức ô nhiễm, nhưng vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về Thủ đô, Luật sư Bình cho rằng, khi phát hiện ra sự việc,  động thái cần thiết là ngưng cấp nước, để cho dòng chảy trở về với hiện trạng ban đầu. Bởi vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang lan rộng và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.

“Nói một cách thẳng thắn, việc ô nhiễm nước ảnh hưởng đến tính mạng con người, thế nhưng tôi không hiểu vì sao mà Viwasupco vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về Thủ đô. Theo tôi, đó là một sự vô cảm, là thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe người dân”, Luật sư Bình nói thêm.

Cũng liên quan đến sự cố nêu trên, nhiều chuyên gia khẳng định, dầu khi bị lẫn vào nước mà không có các thiết bị lọc, sẽ tồn tại rất lâu. PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Dù là dầu thải gì, cũng đều là chất độc và khi ảnh hưởng vào nước sạch, cần phải có biện pháp xử lý. Giờ người ta sục rửa hệ thống ống nước là rất tốt, chỉ không biết có triệt để hay không thôi”.

Vi phạm có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự

Đối với hành vi đổ trộm dầu thải xuống suối Khại (Kỳ Sơn, Hoà Bình), Luật sư Diệp Năng Bình cho biết: “Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự”.

Theo quy định tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015, quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm, tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt.

Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 41, quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Khoản 2 và 3, Điều 5, của Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 41 phải được đơn vị cấp nước công khai trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày có kết quả trên trang thông tin điện tử của đơn vị cấp nước các nội dung: tổng số mẫu nước thử nghiệm và các vị trí lấy mẫu; các thông số và kết quả thử nghiệm cụ thể của từng mẫu nước; biện pháp và thời gian khắc phục các thông số không đạt Quy chuẩn.

Cũng tại Điều 7, Thông tư 41, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; công khai thông tin về chất lượng nước sạch;…

Tuy chưa có thống kê chính xác, nhưng người dân đã xác định được những thiệt hại cụ thể của từng gia đình về việc nước nhiễm bẩn. Ban đầu người dân phải mua nước đóng bình để sử dụng thay cho nước máy hằng ngày, phải mang quần áo đi thuê giặt, thuê chỗ tắm; không nấu được cơm ăn, phải mua thức ăn chín làm phát sinh chi phí; công sức để đi xếp hàng lấy nước sạch sinh hoạt...

Bên cạnh đó, hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại, nhưng không có bất cứ hành động nào, từ báo cáo đến ngăn chặn, như vậy đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự. Đúng hơn, vi phạm tại các Điều 227, Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên bởi nước, cũng được xem là một tài nguyên với tình tiết gây sự cố môi trường, bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; hay Điều 237 BLHS, Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

Nếu cá nhân gây thiệt hại 7.000.000.000 đồng trở lên, bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, bị phạt có thể 1.000.000.000 đồng, đến 10.000.000.000 đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Theo quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại, hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

                                                                                                                                                     Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Tìm kiếm giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng

Tìm kiếm giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:04

(CL&CS) - Song song với quá trình ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới thì các hình thức gian lận cũng phát triển đa dạng trên không gian số từ lợi dụng lòng tin, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lợi dụng lỗ hổng trong quy trình, lợi dụng sự tiện lợi của công nghệ,... Điều này đòi hỏi các tổ chức phải liên tục cập nhật và nâng cao khả năng phòng ngừa và phát hiện các hình thức lừa đảo.

Xuất hiện lỗ hổng trong an toàn lao động

Xuất hiện lỗ hổng trong an toàn lao động

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:24

(CL&CS) - Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, cho thấy công tác đảm bảo an toàn trong quy trình lao động vẫn còn lỗ hổng. Điều này một lần nữa khẳng định tính bức thiết của công tác bảo đảm an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Cảnh báo mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu cập nhật VssID

Cảnh báo mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu cập nhật VssID

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:24

(CL&CS) - Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa phát đi cảnh báo người dân về việc kẻ gian mạo danh cơ quan bảo hiểm yêu cầu người lao động cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID (bảo hiểm xã hội số).