Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 20/11/2015, 17:07 PM

Nghẹn lòng lớp học bệnh nhi ung thư

(NTD) - Thân thể đau nhức vì những vết kim tiêm, mái đầu không một sợi tóc sau những lần hóa trị, xạ trị, trên tay vẫn còn nguyên sợi dây truyền dịch, bên cạnh là chai thuốc treo lủng lẳng… Nhưng những bệnh nhân nhỏ tuổi của lớp học tình thương Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn miệt mài nắn nót từng con chữ, ê a đọc từng đoạn văn, khiến ai chứng kiến cũng cảm thấy nghẹn lòng.

Lớp học thiện nguyện này ra đời từ năm 2009, do chương trình “Ước mơ của Thúy” của báo Tuổi Trẻ kết hợp với Khoa Nội 3 Bệnh viện Ung bướu thành lập. Đây là chương trình dựa theo câu chuyện cuộc đời của nữ sinh Lê Thanh Thúy, người mắc phải căn bệnh ung thư xương quái ác nhưng vẫn vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục đến trường. Lớp học được cô giáo Ðinh Thị Kim Phấn và các bạn sinh viên tình nguyện tổ chức vào chiều Thứ sáu và sáng Thứ bảy hằng tuần, cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại đây. Các em được học theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, tập trung chủ yếu vào hai môn toán và tiếng Việt, xen kẽ với các hoạt động ca hát, vui chơi và sinh hoạt tập thể.

Nghẹn lòng lớp học bệnh nhi ung thư1
Cô Đinh Thị Kim Phấn.
Nghẹn lòng lớp học bệnh nhi ung thư2
05 Thầy và trò cùng say mê học tập.
Nghẹn lòng lớp học bệnh nhi ung thư3
Cô Phấn và các học trò cưng trong giờ học.

Cô Phấn kể lại, chính cuộc gặp gỡ tình cờ với Lê Thanh Thúy cách đây gần 10 năm đã truyền cảm hứng cho cô góp sức sáng lập lớp học này: “Thúy nói với tôi mơ ước lớn nhất của em là mở một lớp học chữ dành riêng cho những bệnh nhi ung thư. Vì tuy phải chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo, nhưng rất nhiều em vẫn khát khao được đi học. Khi Thúy mất, tôi đã cùng ban tổ chức chương trình mở lớp học thiện nguyện này và làm người phụ trách từ đó đến nay”.

Còn cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên trường tiểu học K.Đ (Q3) không thể quên được cảm giác khi đến lớp lần đầu tiên: “Bản thân vốn đã quen với hình ảnh những cô cậu học trò khỏe mạnh, hiếu động, nên khi chứng kiến hình ảnh những em nhỏ yếu ớt, tay đầy vết tiêm nhưng vẫn run run cầm bút viết bài khiến tôi không cầm được nước mắt. Kể từ giây phút đó, tôi đã tự nhủ sẽ gắn bó với lớp học này đến khi nào không còn sức khỏe. Nghị lực của các em chính là động lực của tôi”.

Nghẹn lòng lớp học bệnh nhi ung thư4
Cậu học trò nhỏ chăm chú làm bài khi đang truyền dịch.
Nghẹn lòng lớp học bệnh nhi ung thư5
 
Nghẹn lòng lớp học bệnh nhi ung thư6
Các em hăng hái tham gia các tiết mục sinh hoạt tập thể cuối mỗi buổi họ

Những năm học đầu tiên, lớp học chủ yếu dạy cho bệnh nhi cấp tiểu học, hầu hết là những em nhỏ đã vào viện điều trị từ năm 3, 4 tuổi và không có cơ hội học tập bên ngoài. Sau 8 năm, lớp đã dạy hơn 300 lượt bệnh nhi với trình độ lên đến lớp 9. Nhiều bệnh nhi đã học nét chữ đầu tiên tại đây. Những học sinh bệnh nhẹ hơn cũng thông qua lớp học để ôn tập bài vở trong thời gian điều trị. Cô Phấn cũng cho biết, có em học ở đây thỉnh thoảng mới phải vào viện để kiểm tra, nhưng cũng có em coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai vì phải điều trị dài ngày. Và cứ mỗi chiều Thứ sáu, các “thầy cô” lại có mặt sớm để dọn dẹp, sắp xếp sách vở, bàn ghế và phân công công việc. Khi các em vào học, các giáo viên sẽ giảng và giao bài tập, còn các bạn sinh viên tình nguyện sẽ hỗ trợ các em làm bài. Trước giờ tan lớp, các thầy cô còn phát bánh kẹo cho các em như một niềm vui nho nhỏ cuối ngày.

Tuy nhiên, cái khó khăn ở đây không phải là tài chính hay cơ sở vật chất, mà là những sự chia ly luôn đến bất chợt. Khi một em học sinh hôm qua còn cười nói đó mà hôm nay đã mãi mãi từ giã cuộc sống này. “Mỗi ngày đến lớp là một lần tràn ngập trong mình những cảm xúc buồn vui đan xen lẫn lộn. Vui khi biết lớp học vắng một học sinh do được điều trị khỏi và về nhà. Buồn vì biết một em nào đó đã mãi mãi ra đi”, cô Phấn ngậm ngùi chia sẻ.

Lần chia ly gần đây nhất của các thầy cô là với em Nguyễn Hiệp, 13 tuổi, quê ở Phan Thiết, lên Sài Gòn để điều trị ung thư xương hàm từ năm 2013. “Hiệp làm toán giỏi, viết văn hay, lại ngoan ngoãn nên thầy cô nào cũng quý. Gia cảnh em rất khó khăn, bố bị tai nạn không đi lại được, một mình mẹ nuôi ba anh em ăn học, nên dù bị bệnh tật hành hạ đến mấy Hiệp cũng không bao giờ kêu than vì sợ mẹ buồn phiền. Đến khoảng giữa năm nay, em được gia đình đưa về nhà vì cơ thể không đáp ứng thuốc nữa. Sau đó, mọi người có tổ chức ra Phan Thiết thăm Hiệp, đem theo một cái ống nhòm làm quà vì Hiệp luôn mơ ước được ngắm sao trời. Nhưng khi đến nơi thì các thầy cô nghẹn ngào vì Hiệp giờ đây thậm chí không ngồi dậy nổi, chỉ ôm cái ống nhòm trên tay chứ cũng không còn sức để sử dụng. Tôi cứ nhớ mãi nụ cười khó nhọc nhưng rất chân thành của em khi nhìn khắp lượt các thầy cô, như một lời vĩnh biệt với một gia đình thứ hai đã gắn bó với em suốt hai năm trời”, cô Phấn bồi hồi kể lại.

Tuy nhiên, sau mỗi lần chia ly đầy mất mát, các thầy cô không ai cho phép mình quá đau buồn để tránh làm ảnh hưởng tới những em còn lại: “Nhiệm vụ của lớp học là mang đến niềm vui, tiếng cười cho các em vì các em đã quá bất hạnh rồi. Nên dù buồn đến mấy các thầy cô cũng phải giấu kín trong lòng”. Và bên cạnh những nỗi buồn, vẫn có những bệnh nhi chiến thắng bệnh tật. Đó chính là niềm an ủi, là phần thưởng lớn nhất dành cho các thầy cô.

Bài và ảnh: Vương Giang

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.