Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 18/08/2018, 08:03 AM

Nên tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học như thế nào?

(NTD) - Sau sự cố gian lận điểm thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia lan rộng và nghiêm trọng chưa từng thấy, khá nhiều ý kiến của các chuyên gia, GS-TS cùng các nhân sĩ trí thức đặt vấn đề nên xem lại cách thức, phương pháp thi THPT và xét tuyển vào đại học. Báo Người Tiêu Dùng xin trích những ý kiến tâm huyết này dưới nhiều góc nhìn khác nhau để rộng đường dư luận.

Phung-xuan-nha
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ

Tôi xin nhận trách nhiệm

Có ý kiến đề xuất vẫn tổ chức thi nhưng thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương tổ chức, thi đại học, cao đẳng giao cho các trường này tổ chức. Phương án này cũng được cân nhắc nhiều, tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì với bệnh thành tích, kết quả thi sẽ không công bằng khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó, địa phương này coi lỏng, địa phương khác coi chặt.

Còn để các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức thi thì bộ đã khuyến khích nhưng thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí, hơn nữa tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại. Cuối cùng, phần lớn các ý kiến đã thống nhất tổ chức một kỳ thi quốc gia vừa bảo đảm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý.

Phương án này đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đó, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học (ĐH) và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm.

Quach-Tuan-Ngoc-1-1

TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - Bộ GD-ĐT.

TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD-ĐT

Nếu như dùng để xét cả tốt nghiệp thì đề thi năm nay không phù hợp

Tại địa phương có nhiều mối quan hệ “chằng chịt”, nể nang, nên rất dễ xảy ra tiêu cực trong khâu coi thi, chấm thi. Nếu phẩm chất cán bộ đảm nhiệm công việc này không tốt, sẽ rất dễ để xảy ra sai phạm. Phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của thí sinh nào.

Đây là lỗ hổng tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần khi còn công tác. Quy trình chấm thi này thích hợp hơn cho các trường đại học tổ chức thi, vì họ không liên quan đến con cháu ai, hoặc nếu có thì cũng rất hy hữu. Còn tại địa phương, có thể khẳng định quy trình này chưa phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò. Kỳ thi kiểu này đánh giá năng lực là đánh giá năng lực nào? Năng lực đoán đáp số? Năng lực phản biện? Năng lực sáng tạo như có cách giải hay thì làm gì còn chỗ mà trổ bông? Đến các GS.TS Toán học hàng đầu, các nhà luyện thi lão luyện cũng còn lắc đầu quầy quậy.

Nếu như dùng để xét cả tốt nghiệp thì đề thi năm nay không phù hợp. Đã là thi tốt nghiệp, mỗi cháu phải được ít nhất 5 điểm mỗi môn. Đề này chỉ phù hợp thi đại học, nhưng năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn trên 90% là nhờ cộng thêm điểm học bạ xét kèm, cứu được số tốt nghiệp.Theo tôi, các trường đại học nên chủ động đánh giá lại năng lực thực sự của thí sinh. Thí dụ đơn giản như cho giải lại một bài toán đã thi, hay ngồi kiểm tra vấn đáp.

Mai-Van-Trinh-1

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT

Tiếp tục duy trì phương thức thi này

Từ năm 2015 đến nay, đã trải qua 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tại thời điểm hiện tại, mô hình tổ chức này là phù hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì phương thức thi này trong những năm tới nhưng kèm theo những điều chỉnh, thay đổi để kỳ thi ngày một nghiêm túc và có độ tin cậy cao hơn.

Dao-Trong-Thi

GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Kỳ thi nào mà sự cạnh tranh càng cao thì nguy cơ tiêu cực càng lớn

Kỳ thi THPT quốc gia thường gọi là “2 trong 1” do mục đích xét tuyển đại học rõ ràng, tỷ lệ chọi cao nên động cơ tiêu cực lớn. Còn nếu kỳ thi chỉ với mục đích tốt nghiệp THPT thì chắc động cơ tiêu cực sẽ không có. Kỳ thi nào mà sự cạnh tranh càng cao thì nguy cơ tiêu cực càng lớn. Bộ tổ chức thi hay trường đại học tổ chức thi thì đều có nguy cơ tiêu cực nếu quy chế thi không chặt chẽ, không kín kẽ. Ngay cả việc chúng ta thi trắc nghiệm như hiện nay cũng không đúng như cách thế giới đang làm. Thế giới thi trắc nghiệm hoàn toàn trên máy tính, không phải lo khâu coi thi, chấm thi, không có tiêu cực xảy ra. Còn chúng ta thi trắc nghiệm trên giấy, nên cả khâu coi thi, chấm thi đều có thể xảy ra tiêu cực, mà thực tế gian lận thi cử năm nay đã chứng minh.

Kỳ thi này 2 mục tiêu là xa nhau nên rất khó dùng một đề thi, một bài thi để đánh giá. Cá nhân tôi từ đầu đến cuối không ủng hộ kỳ thi “2 trong 1”, mà nên tách thành 2 kỳ thi. Thi đại học thì nên giao cho các trường để họ tự chủ. Khi để các trường đại học tổ chức thi thì lúc đó sẽ chỉ còn là các kỳ thi cấp trường, không còn là kỳ thi mang tính toàn quốc nữa. Như vậy sẽ không còn áp lực lớn cho xã hội nữa.

Tran-Tho-Dat

GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, GS. Trần Thọ Đạt

Bộ phận ra đề cần rút kinh nghiệm để bảo đảm phân hóa

Khi sự cố xảy ra, trường lo lắng, nhưng không có gì là toàn diện 100%. Đầu vào là một căn cứ quan trọng nhưng không phải là quyết định, trường luôn sàng lọc. Tôi luôn nói với sinh viên hãy quên điểm số phổ thông đi, quá trình học đại học mới là quan trọng để khẳng định đầu ra.

Theo tôi nên tiếp tục duy trì kỳ thi đến hết 2020 nhưng cần cải thiện một số khâu. Đề thi tốt phải bảo đảm có sự phân hóa, để em yếu thì không thể tốt nghiệp, em khá thì tốt nghiệp khá, giỏi thì tốt nghiệp giỏi. Bộ phận ra đề cần rút kinh nghiệm để bảo đảm phân hóa, có phản biện ra đề thi, tránh tình trạng năm thì dễ, năm thì khó. Khi đề thi có sự phân hóa thì trường đại học hoàn toàn có thể dựa vào đó để xét tuyển.

Giảng viên Trần Thị Mai Nhân, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM

Không nên giao hẳn cho các địa phương như hiện nay

Theo tôi, những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT, có kết quả học tập cuối năm lớp 12 đạt từ trung bình trở lên, không bị kỷ luật của nhà trường đều đạt tiêu chuẩn xét tốt nghiệp. Hội đồng xét tốt nghiệp của các trường xét và gửi danh sách đề nghị Sở GD-ÐT địa phương cấp bằng tốt nghiệp (tú tài) cho học sinh. Như vậy, học sinh sẽ có thời gian tập trung đầu tư cho kỳ thi tuyển sinh đại học do các trường đại học tổ chức và quản lý hoặc đăng ký xét tuyển vào các trường nghề, tùy theo định hướng và lựa chọn cho tương lai của mình.

Ðiều này vừa tiết kiệm thời gian, công sức, kinh tế cho học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội vừa bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường đại học. Tất nhiên, để làm được điều này, phải có thời gian vì phải tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục. Trước mắt, Bộ GD-ÐT phải cải tiến quy trình và quản lý chặt chẽ việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này.

Tốt nhất, bộ nên thành lập những cụm thi ở các địa phương và các cụm thi đó phải do các trường đại học chủ trì (từ việc tổ chức thi, chấm thi đến quản lý kết quả thi), không nên giao hẳn cho các địa phương như hiện nay. Có như vậy, kỳ thi THPT quốc gia mới bảo đảm sự khách quan, công bằng, vực dậy niềm tin cho người dân vào ngành giáo dục nước nhà.

 

Pham-Minh-Hac-1

GS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Riêng đề thi vào các trường đại học, cao đẳng thì Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự lo

Tại kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT chỉ nên thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn việc tổ chức và ra đề thi. Bộ nên giao cho các Sở GD-ĐT ở địa phương chỉ đạo các trường tự lo khâu tổ chức thi. Học sinh học ở trường nào thì sẽ đến trường đó thi, không phải đi đâu xa. Việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GD-ĐT địa phương xác nhận. Còn đối với các trường đại học, cao đẳng sẽ thực hiện việc tự chủ trong tổ chức thi, xét tuyển để chọn lọc thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo của mình. Học sinh muốn thi vào trường nào thì tự nộp đơn vào trường đó. Riêng đề thi vào các trường đại học, cao đẳng thì Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự lo vì mỗi một trường có những đặc thù, cần tuyển sinh theo nhu cầu đào tạo khác nhau.

Le-Truong-Tung

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT

Cần xem xét lại tính cần thiết của việc tổ chức một cuộc thi phức tạp và có nhiều vấn đề nảy sinh như thi THPT quốc gia 2 trong 1

Trong bối cảnh tự chủ đại học, xét tốt nghiệp THPT dựa cả vào học bạ, thì cần xem xét lại tính cần thiết của việc tổ chức một cuộc thi phức tạp và có nhiều vấn đề nảy sinh như thi THPT quốc gia 2 trong 1. Bộ GD-ĐT vẫn nên tổ chức thi, nhưng chỉ nên tổ chức thi cho khoảng 20% số thí sinh có học lực yếu kém, 80% còn lại sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp dựa trên điểm học bạ.

Theo đó, những học sinh xếp hạng học lực yếu vẫn sẽ phải tham gia thi tốt nghiệp. Việc tổ chức cho 20% thí sinh thi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, giảm tải khối lượng công việc trong công tác tuyển sinh. Không nên để cho các địa phương tự chấm thi mà cần chuyển toàn bộ dữ liệu bài thi về chấm theo cụm do Bộ GD-ĐT chủ trì. Để giảm thiểu những vụ gian lận như Hà Giang, tốt nhất bộ nên tổ chức chấm tập trung các bài thi trắc nghiệm. Cả nước có thể tập trung về 4 cụm để chấm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.

Hiện một số trường đã tổ chức kỳ thi riêng dưới những tên gọi khác nhau như Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) tiếp tục thực hiện phương thức tuyển sinh đánh giá năng lực và đề thi được thiết kế theo định dạng bài thi SAT 2, trong đó thí sinh dự thi môn toán và một môn tự chọn.

ĐHQG TP.HCM đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường thành viên sử dụng kết quả cho mục đích tuyển sinh. Kỳ thi này được tổ chức sau kỳ thi THPT quốc gia từ 7-10 ngày. Nhiều trường ĐH khác cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh như các Trường ĐH Việt Đức, ĐH Luật TP.HCM, ĐH FPT… Trong đó,Trường ĐH Việt Đức sử dụng đề thi do Viện khảo thí TestDaF (Đức) cung cấp.

 PHAN NGUYỄN

_NTD_So 459 460_6-7
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.