Nắm giữ cổ phiếu DLG trong 8 năm, tài khoản bị bốc hơi 86%

(NTD) - Sau 8 năm lên sàn chứng khoán, cổ phiếu DLG đã khiến các cổ đông gắn bó lâu dài với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai mất 86% tài sản khi gửi đồng vốn vào doanh nghiệp phố núi Pleiku.

DLG tăng vốn "móc túi" nhà đầu tư

Ngày 22/6/2010, cổ phiếu DLG được giao dịch lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với khối lượng niêm yết 29,1 triệu cổ phiếu. Giá đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên của DLG tại HOSE đạt 30.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, số lượng cổ phiếu DLG niêm yết trên sàn tăng vọt lên 285 triệu đơn vị. Tại thời điểm mới lên sàn, cơ cấu cổ đông khá cô đặc khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bùi Pháp sở hữu 54,85% và bà Nguyễn Thị Hương (vợ ông Bùi Pháp) sở hữu 10%.

Trong 8 năm qua, khối lượng niêm yết của DLG tăng 9,8 lần. Đây là con số không phải lớn nếu so với Vinamilk, Vingroup nhưng trái ngược với hai doanh nghiệp này, đa số các lần tăng vốn của DLG là “móc túi” của nhà đầu tư.

Vốn điều lệ DLG tăng thêm 2.560 tỷ đồng, tương ứng với 256 triệu cổ phiếu, trong đó có tới 209 triệu cổ phiếu là những đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Phần còn lại là trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng và hoán đổi cổ phiếu với AnsenHoldco Limited.

Từ ngày DLG lên sàn đến nay, chỉ số VN-Index tăng gấp đôi còn cổ phiếu này giảm giá 86% và đạt 2.820 đồng/cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư bỏ 100 triệu đồng mua DLG ngay ngày lên sàn, sau 8 năm, số tiền này chỉ còn 14 triệu đồng.

Từ tháng 6/2010 đến tháng 12/2012, giá DLG luôn dao động 20.000-30.000 đồng/cổ phiếu, ban lãnh đạo và người có liên quan thay phiên bán cổ phiếu với hàng triệu đơn vị. Nổi bật nhất là vợ của Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp là bà Nguyễn Thị Hương đã bán sạch 10% vốn điều lệ trong khoảng thời gian này.

Cuối năm 2016, khi DLG đạt 3.000 đồng/cổ phiếu, tập đoàn vẫn phát hành 199 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ có 16 nhà đầu tư mua 27,57% số lượng phát hành này giúp tập đoàn thu về gần 550 tỷ đồng. Ngay cả, Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp mua chưa tới 25% quyền mua.

Tập đoàn dành phần lớn số tiền trên là 495 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đức Long Gia Lai (DLGL Land) từ 4% lên 84,03%. Trước đó, đầu năm 2014, tập đoàn đã giảm tỷ lệ sở hữu tại DLGL Land từ trên 51% xuống còn 4%.

DLG-bieu-do-gia
Từ khi lên sàn đến nay, cổ phiếu DLG giảm 86% giá trị.
DLG-LNTT
Với vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế (LNST) cao nhất chỉ 83 tỷ đồng vào năm 2015. Hoạt động tài chính là cứu cánh còn hoạt động cốt lõi lại mang lại “trái đắng” cho tập đoàn.
DLGL-Land
Chi hàng trăm tỷ đồng vào Đức Long Golden Land và Đức Long New Land nhưng nhà đầu tư mù thông tin lợi ích mà DLG nhận được.

Huy động vốn để làm gì?

DLG giới thiệu là một tập đoàn đa ngành từ đầu tư cơ sở hạ tầng (BOT, BT, PPP), bất động sản, năng lượng (thủy điện, điện mặt trời), sản xuất điện tử và linh kiện điện tử, đồ gỗ, bến xe, khai thác và chế biến khoáng sản, nông nghiệp (trồng bắp, nuôi bò, trồng cao su)…

Là tập đoàn đa ngành nhưng tỷ trọng tài sản gần như toàn bộ nằm dưới 2 dự án BOT và các khoản phải thu về cho vay các bên liên quan. Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu lại đến từ bán linh kiện điện tử và phân bón, hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong toàn bộ tài sản của tập đoàn.

Hai dự án BOT được hoàn thành vào năm 2015 là: Dự án BOT quốc lộ 14A đoạn km817 đến km887 và dự án BOT Gia Lai - đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku km1610 với tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.

Đa số, các khoản nợ hiện nay đều bắt đầu phát sinh vào năm 2015, với thời hạn vay từ 110-140 tháng. Vốn vay được đẩy vào 2 dự án chủ lực là 2 tuyến BOT trên và 2 dự án cao su (IaBlứ 948ha và Chư Puh 980ha). Mặc dù, cả 2 dự án BOT đã đưa vào hoạt động nhưng không mang lại hiệu quả kinh doanh còn 2 dự án trồng cao su cũng chết lâm sàng và đang bị treo không tiếp tục triển khai. Tập đoàn không có nguồn thu nào đáng kể để có thể đủ khả năng trả nợ khi các khoản nợ gốc đến kỳ đáo hạn.

Như đã nói ở trên, tập đoàn liên tục huy động vốn từ cổ đông với con số lên hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên toàn bộ số vốn tăng thêm không được đưa vào sản xuất kinh doanh mà gần như toàn bộ mang đi cho các tổ chức và cá nhân liên quan vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm với lãi suất thấp hơn lãi suất DLG đi vay ngân hàng, trái phiếu.

Trong đó, nhiều tổ chức vay số tiền rất lớn lên tới 300-500 tỷ đồng nhưng về quan hệ cổ đông thì DLG chỉ sở hữu quanh 1-2% vốn điều lệ. Mặc dù vay ngắn hạn nhưng dư nợ với các đơn vị này duy trì và tăng liên tục trong vòng 4 năm qua. Tại thời điểm 30/6/2018, tập đoàn đang cho vay ngắn hạn 1.366 tỷ đồng, cho vay dài hạn 711 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Phát triển dịch vụ công trình công cộng Đức Long Gia Lai (DL1) là công ty độc lập về báo cáo tài chính với DLG nhưng cùng cổ đông lớn là ông Bùi Pháp. Năm 2016, DL1 tăng vốn từ 31,4 tỷ đồng lên 169 tỷ đồng. Năm 2017, DL1 tăng vốn khủng lên 1.012 tỷ đồng và dùng toàn bộ số vốn tăng thêm mua lại 98% cổ phần của CTCP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long và phần vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đồng Phú Hưng.

Trong đợt huy động vốn cổ đông năm 2016, DLG góp 495 tỷ đồng vào DLGL Land để công ty này hợp tác cùng CTCP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long phát triển dự án Đức Long Golden Land và CTCP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long cho dự án Đức Long New Land. Tuy nhiên, cả hai dự án này, DLG chỉ thuyết minh tổng mức đầu tư mà không đề cập đến doanh thu, lợi nhuận của dự án cũng như lợi ích mà tập đoàn nhận được.

Như Nguyễn

_NTD_So 164_InF_Page_26
 

 

Bình luận

Nổi bật

Dự án Diamond Lotus Riverside bị UBND P.8, Q.8 buộc tháo dỡ nhà mẫu

Dự án Diamond Lotus Riverside bị UBND P.8, Q.8 buộc tháo dỡ nhà mẫu

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 23:06

(CL&CS) - UBND P.8, (Q.8, TP.HCM) đề nghị chủ đầu tư của dự án Diamond Lotus Riverside tháo dỡ công trình nhà mẫu tại địa chỉ 49C Lê Quang Kim. Thời gian dự kiến vào tháng 6/2024.

Doanh nhân Nguyễn Bính: Gian nan đưa bún sạch ra thị trường

Doanh nhân Nguyễn Bính: Gian nan đưa bún sạch ra thị trường

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 22:41

(CL&CS) - Năm 2023 là một năm khá khó khăn với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bún tươi Nguyễn Bính cũng không ngoại lệ bởi gánh rất nhiều áp lực không chỉ vì nhu cầu tiêu dùng giảm mà còn bị lấn át bởi các đơn vị sản xuất “bún bẩn”.

Gamuda Land công bố dự án Eaton Park với diện tích 3,77ha

Gamuda Land công bố dự án Eaton Park với diện tích 3,77ha

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 22:38

(CL&CS) - Chủ đầu tư đến từ Malaysia Gamuda Land vừa công bố dự án căn hộ cao cấp Eaton Park (Thủ Đức, TP.HCM) có tổng diện tích dự án khoảng 3,77ha cung cấp cho thị trường 2.052 sản phẩm. Dự án đã khởi công phần ngầm giai đoạn 1 vào ngày 26/3/2024.