Dữ liệu cũ
Thứ tư, 09/01/2019, 10:00 AM

Năm 2019 nhộn nhịp thị trường hàng không và du lịch Việt - Nhật

(NTD) - Ba hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản mở đường bay đến Việt Nam trong thời gian sắp tới bên cạnh hai hãng Jetstar Pacific và VietJet Air đang hoạt động của Việt Nam. Các đường bay mới sẽ thúc đẩy du lịch song phương phát triển và dự kiến khách Nhật Bản sẽ là điểm nổi bật của du lịch Việt Nam trong ít nhất hai năm 2019-2020...

1
 

Hàng không giá rẻ Peach mở đường bay đến TP.HCM

Hãng hàng không giá rẻ Peach Aviation của Nhật Bản đang xem xét mở đường bay đến TP.HCM và các điểm đến Đông Nam Á vào năm 2020 với hy vọng đón bắt nhu cầu du lịch của khu vực đang phát triển nhanh này.

Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia là những điểm đến được CEO Shinichi Inoue nhắm đến cho các chuyến bay tầm trung 7-9 giờ đồng hồ bắt đầu vào năm 2020.

“Các sân bay trọng yếu (hub) sẽ giúp thu hút hành khách từ các khu vực xung quanh” - ông Inoue trao đổi với Nikkei Asian Review. Peach - hãng con của Tập đoàn ANA Holdings - hiện có các tuyến bay xuất phát từ bốn sân bay chính của Nhật Bản: Kansai cho vùng Osaka, New Chitose ở phía bắc đảo Hokkaido, Sendai ở đông bắc Nhật Bản và Naha ở Okinawa.

Peach dự kiến mở đường bay đến Việt Nam và Đông Nam Á giữa năm 2019 sau khi bắt đầu sáp nhập với hãng Vanilla Air, một hãng bay giá rẻ cũng thuộc Tập đoàn ANA Holdings vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, kế hoạch sáp nhập có chậm trễ và Peach dự định sẽ hoàn tất việc thâu tóm Vanilla Air vào cuối năm tài chính 2019. Các chuyến bay từ sân bay Narita gần Tokyo dự đoán sẽ gia tăng một khi quá trình sáp nhập hoàn tất - dự kiến vào năm 2020

Vanilla Air chấm dứt bay đến TP.HCM quá cảnh tại Đài Bắc vào tháng 3/2018 dù đường bay này đang hoạt động hiệu quả và hãng muốn cạnh tranh trực diện với VietJet.

Một chuyên viên hàng không tại TP.HCM nói với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng rằng Peach chắc chắn sẽ sớm khai thác lại đường bay đến TP.HCM của Vanilla Air vì có sẵn thương quyền năm (fifth freedom) khai thác đường bay này từ Vanilla Air. “Sau TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và ngay cả Nha Trang và Phú Quốc cũng sẽ là những điểm đến tiềm năng mà Peach sẽ sớm mở bởi lượng khách Nhật đến các nơi này ngày càng đông” - chuyên viên này nhận định.

2
 

Cạnh tranh trên các tuyến bay Nhật Bản - Việt Nam

Lượng khách hai chiều trên các đường bay giữa hai nước đạt 1,3 triệu lượt trong năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm, lượng khách trên đường bay này đã bằng cả năm 2017 sau những nới lỏng về visa của Nhật Bản đối với khách Việt đi theo đoàn và Đà Nẵng trở thành điểm đến được khách nước ngoài ưa chuộng sau khi kiến trúc Cầu Vàng hoàn thành vào cuối tháng 6/2018.

Vietnam Airlines hiện có 10 đường bay với 70 chuyến bay từ ba thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng) đến bốn thành phố của Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Fukuoka và Nagoya). Ở phân khúc hàng không truyền thống, Vietnam Airlines đang giành thị phần lớn hơn so với Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) do tần suất chuyến bay và giá vé cạnh tranh hơn. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành nói “đây là các tuyến bay tiềm năng nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất của hãng, bên cạnh các đường bay đến Hàn Quốc”.

Jetstar Pacific - vốn có cổ phần của Vietnam Airlines - là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tham gia thị trường với các tuyến bay từ Hà Nội và Đà Nẵng đến Osaka từ tháng 9/2017.

VietJet khai trương các đường bay từ Hà Nội đi Osaka và Narita và TP.HCM đi Osaka vào tháng 12/2018. Hãng này cũng đưa vào khai thác hai tuyến bay từ Osaka đi Siem Reap, Campuchia và Yangon, Myanmar quá cảnh tại Hà Nội.

Cạnh tranh trên các tuyến bay tầm trung của các hãng giá rẻ Nhật Bản sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới khi Jetstar Japan có kế hoạch mở đường bay đến Đông Nam Á và Japan Airlines đã thành lập hãng hàng không giá rẻ - hiện chưa có tên - để khai thác phân khúc này.

Như vậy, có thể có 8 hãng cạnh tranh trên các tuyến bay giữa hai nước và chia thành hai liên minh. Liên minh một gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, ANA và Peach. Liên minh hai gồm: VietJet, JAL, hãng con của JAL và Jetstar Japan (JAL có cổ phần). “Các hãng con sẽ tìm hướng đi riêng để không giẫm chân lên các hãng mẹ. Khách hàng sẽ được lợi rất nhiều khi các hãng giá rẻ Nhật Bản tham gia thị trường” - các chuyên gia hàng không nhận định.

3
 

Tăng trưởng mạnh thị trường hàng không - du lịch

Việc mở các tuyến bay giữa các thành phố Seoul, Busan và Daegu của Hàn Quốc đến TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc tạo nên sự gia tăng đột biến lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong năm qua. Theo số liệu của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, tính đến tháng 11/2018, lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 3,56 triệu lượt, tăng 46% so với cùng thời gian năm 2017. Thị trường Hàn Quốc đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng và xếp sau thị trường Trung Quốc về số lượng (trên 4,5 triệu lượt khách).

Lượng khách Nhật Bản trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt trên 755.000 lượt khách, tăng hơn 3% so với cùng thời gian năm 2017. “Sẽ có làn sóng du khách Nhật Bản đến Việt Nam trong năm mới 2019, tương tự như thị trường Hàn Quốc khi các đường bay mới liên tục hình thành. Sự tăng trưởng này sẽ thúc đẩy các hãng hàng không sớm tham gia thị trường bởi chậm thì mất phần, nhất là phân khúc hàng không giá rẻ” - chuyên gia hàng không tại TP.HCM phân tích.

Hiện lượng khách đi du lịch Nhật Bản trung bình đạt 30.000 lượt khách mỗi tháng. Các hãng du lịch và lữ hành Việt Nam dự báo lượng du khách Việt Nam đi Nhật Bản sẽ gia tăng mạnh trong năm mới. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Fidi Tourist nói, các thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ tiếp tục là những điểm đến được người Việt ưa chuộng trong năm 2019. Bà Thu cũng nói rằng các sự kiện chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa hè Tokyo 2020 cũng sẽ thu hút sự tò mò và khám phá của du khách Việt.

Trong khi đó, việc Nhật Bản mở cửa thị trường lao động đối với người nước ngoài cũng gia tăng cơ hội cho hàng không - du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng trưởng mạnh. Tổng Giám đốc Công ty Esuhai Lê Long Sơn nói số lao động tay nghề cao người Việt sẽ gia tăng sau thời điểm 1/4/2019 khi luật lao động mới có hiệu lực. Hiện có khoảng 300.000 lao động Việt Nam tại Nhật Bản, chỉ xếp sau cộng đồng người Trung Quốc với khoảng 370.000 lao động.

 Ricky Hồ

2
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.