Dữ liệu cũ
Thứ ba, 18/02/2020, 17:06 PM

Một hiệp định, rất nhiều cơ hội

(NTD) - Trong vô vàn căng thẳng, lo lắng về vi rút Corona (Covid-19), Việt Nam vừa đón nhận tin vui: Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA). Hiệp định này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho cả hai phía.

Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng của Việt Nam và mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD của EU. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay. Càng đáng chú ý hơn nữa khi dịch bệnh hiện nay cho thấy Việt Nam không nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nào mà cần có nhiều khu vực khác với độ mở và sự thông thoáng ngày càng lớn.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, chúng ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Như vậy, 65% hàng hóa châu Âu và gần 71% hàng hóa Việt Nam được giao thương không thuế. Tức là cơ hội người Việt được dùng hàng châu Âu và ngược lại sẽ rẻ hơn, chính thống hơn đã rõ ràng. Nông dân, doanh nghiệp có cơ hội cực lớn để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu. Hàng loạt ngành nghề khác không ít thì nhiều cũng có cơ hội phát triển.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng EVFTA là tin tốt với xuất khẩu vì trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó vì Covid-19, EVFTA càng có ý nghĩa khi mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu vào EU. Chắc chắn không chỉ xuất khẩu mà hiệp định chất lượng cao với tính mở và liên kết lớn gắn với cam kết cao về mở cửa thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế thì EVFTA sẽ là cú hích lớn cho đầu tư trong, ngoài nước.

Rồi đây sẽ có làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, dịch vụ... Công việc lúc này của cơ quan quản lý là cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất, khơi thông điểm nghẽn cơ chế, hạ tầng để đón những dòng đầu tư này. Bên cạnh đó thì doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh để vào cuộc chơi này sòng phẳng và tận dụng được cơ hội hiệp định mang lại. Nhưng trong cơ hội ấy thì thác thức luôn đi kèm. Dù là ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa nhưng xuất khẩu vẫn có thể đối mặt thách thức.

Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như nông sản, EVFTA có ưu đãi với những quy định linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản (trái cây, thủy sản) vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng. Điều mà không ít doanh nghiệp Việt Nam mắc phải ở không ít thị trường.

Ngoài ra, EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra nó như không được dùng hải sản đánh bắt bất hợp pháp; không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép... Bên cạnh đó, EVFTA sẽ mang lại sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Cơ hội và thách thức, cửa mở và rào cản sẽ luôn đồng hành khi hiệp định trên bắt đầu được thực thi. Nhưng dù thế nào thì điều tốt đẹp được trông chờ sẽ đến, giờ đây chỉ còn là việc chúng ta sẽ tận dụng cơ hội ấy thế nào để phát triển đất nước bền vững, có chiều sâu hơn.

Phan Nguyễn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.