Dữ liệu cũ
Thứ hai, 20/04/2015, 17:26 PM

LienVietPostBank và Him Lam phát triển cây mắc ca: “Kẻ tung người hứng”

(NTD) - Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 (ĐHĐCĐ), LienVietPostBank đã gây sốc cho nhiều cổ đông khi tuyên bố dành khoảng 20.000-22.000 tỷ đồng để cho vay và phát triển cây mắc ca trong vòng 5 năm. Trong đó, Him Lam chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện công cuộc phát triển “cây tỷ đô” này.

LienVietPostBank có vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng với cổ đông lớn nhất là Him Lam, sở hữu 14,98% vốn và là 1 trong 3 cổ đông sáng lập ngân hàng. Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng với 99% sở hữu của ông Dương Công Minh.

Việc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) dự kiến chi vốn “khủng” lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay phát triển cây mắc ca tại Việt Nam và việc CTCP Him Lam (Him Lam) đứng ra làm đơn vị sản xuất giống, xây dựng nhà máy bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm tiền vay của người nông dân có thể nói là một việc đáng mừng đối với nền nông nghiệp nước ta. Bởi lẽ, nông dân sẽ không lo bị thiếu nơi cung cấp giống cây chất lượng cũng như nơi mua lại thành phẩm sau khi thu hoạch.

Tuy nhiên, dự án phát triển cây mắc ca quá ồ ạt cũng khiến dư luận không khỏi lo lắng. Câu hỏi được nhiều người thắc mắc là “Him Lam sẽ bán lại cho ai khi trên thế giới vẫn phát triển và tiêu thụ loại cây này trong một giới hạn nhất định?”. Thêm vào đó, việc LienVietPostBank và Him Lam có cùng một Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Dương Công Minh cũng khiến dư luận đặt ra nhiều thắc mắc, liệu rằng việc “phối hợp” phát triển cây mắc ca có thực sự chỉ nhằm mục đích giúp người nông dân làm giàu? Hay đơn thuần chỉ để “thỏa mãn” thú “đi làm nông nghiệp” của ông Dương Công Minh như nhiều đại gia khác?

LienVietPostBank va Him Lam phat trien cay mac ca
Tại ĐHĐCĐ LienVietPostBank tổ chức vừa qua, lãnh đạo ngân hàng này thống nhất sẽ dành 20.000-22.000 tỷ đồng cho vay phát triển mắc ca.

Tại Việt Nam, cây mắc ca được đưa về trồng khảo nghiệm từ những năm 2000, loại cây này thích hợp với vùng đất Tây Nguyên và Tây Bắc Bộ. Mắc ca trồng một lần cho thu hoạch từ 50-60 năm, bắt đầu sau 5 năm trồng, cây mắc ca cho thu hoạch. Ở Tây Nguyên, cây mắc ca được trồng xen lẫn với cây cà phê. Tuy nhiên, do đặc tính của cây cà phê khiến đất trồng trong khu vực sẽ nhanh chóng bị bạc màu, việc trồng mắc ca đan xen với cây cà phê được dự đoán không phải là giải pháp tốt để phát triển và nâng cao năng suất loại cây này.

Giá hạt mắc ca được rao “trên trời” là nguyên nhân khiến nhiều người nông dân chuyển đổi và trồng giống “cây tỷ đô” này. Theo công bố trên website hatmacca.vn, giá bán hạt còn vỏ chưa nứt là 300.000 đồng/kg; hạt còn vỏ đã khứa nứt là 400.000 đồng/kg; hạt mắc ca đã tách vỏ nhân tròn giá 1.100.000 đồng/kg.

LienVietPostBank va Him Lam phat trien cay mac ca
Cây mắc ca.

Tuy nhiên, theo một số người thì mức giá này chỉ là ảo và mới… nghe nói chứ chưa tận mắt chứng kiến. Thực tế, giá mắc ca tại nước ngoài cũng chỉ dao động ở mức 80.000-100.000 đồng/kg. Do đó, theo một số chuyên gia nông nghiệp, việc trồng mắc ca ở Tây Nguyên với quy mô 200.000 ha như LienVietPostBank và Him Lam đề xuất cần phải cân nhắc thận trọng.

Theo thống kê trên thế giới hiện nay, sau nhiều năm phát triển thì loại cây này cũng chỉ có khoảng 80.000 ha. Kể cả tại thủ phủ của mắc ca như Mỹ, Úc, Trung Quốc vẫn chưa đầu tư mạnh tay vào giống “cây tỷ đô” này.

Còn nhớ những năm trước đây, người nông dân không ít lần chạy theo thị hiếu thị trường, phá bỏ những cây đang trồng để thay thế bằng những loại cây đang được giá như việc chặt điều để trồng ca cao, khi ca cao xuống giá thì lại chặt bỏ để trồng dừa, trồng mía. Hoặc như đợt khoai mì lên giá, nông dân đã ồ ạt chặt cao su để trồng khoai mì để rồi cay đắng bán tháo khi thị trường cung nhiều hơn cầu.

Một câu hỏi được đặt ra, liệu rằng tình trạng này có xảy ra với cây mắc ca? Người nông dân có giàu lên nhờ dự án mở rộng diện tích mắc ca như lời đại diện LienVietPostBank và Him Lam tuyên bố hay lại để tái diễn tình trạng “trồng-chặt” như những loại cây trước đây?

Bàn về vấn đề có rủi ro trong đề án trồng mắc ca tại cuộc tọa đàm trực tuyến sáng 14/4, TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho biết:

“Liệu có gì trên đời mà không có rủi ro? Nhưng nếu rủi ro càng lớn thì lợi nhuận sẽ càng cao. Trong trường hợp đề án mắc ca, tôi nghĩ rằng rủi ro lớn nhất nằm ở tâm lý người dân. Bản thân nhiều người vẫn đang băn khoăn trong suy nghĩ có nên chặt cà phê để trồng loại cây khác hay là trồng cà phê giống mới? Trong khi đó, mắc ca có thể đóng vai trò đồng hành với cây cà phê thông qua hình thức chủ đạo là trồng xen canh nên không việc gì phải chặt hạ cà phê đi. Cà phê cũng rất cần bóng mát, và trong trường hợp xấu nhất thì mắc ca sẽ che chở cho cà phê, người nông dân không mất gì. Riêng đối với việc vì sao LienVietPostBank và Him Lam chỉ đầu tư vào cây mắc ca mà không đầu tư vào cây khác, tôi cho rằng đơn giản là cây mắc ca mang lại siêu lợi nhuận. Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy cần phải nắm bắt, chỉ có điều, chúng tôi không muốn hưởng một mình, chúng tôi muốn cùng bà con nông dân làm giàu”.

Bảo Bảo

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.