Dữ liệu cũ
Thứ ba, 18/02/2020, 17:11 PM

Khóm ngọt Tân Phước

(NTD) - Khóm, khóm bạt ngàn. Đó là những hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp khi có dịp về huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang trong những ngày đầu năm mới.

2

Khóm Tân Phước.

Khóm, khóm bạt ngàn. Đó là những hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp khi có dịp về huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang trong những ngày đầu năm mới.

Đây là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn do thổ nhưỡng bị phèn nặng thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân hàng chục năm qua. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh, huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt về sự đổi mới cây trồng, vật nuôi tại đây, trong đó tập trung 3 loại cây chủ lực là: Khóm, Thanh Long và mít Thái đến nay đã có được những tín hiệu lạc quan, làm đổi mới mạnh mẽ đời sống cư dân trên vùng đất khó này.

Ông Trần Văn Thy, ngụ tỉnh Bến Tre sang đây lập nghiệp đã 20 năm phấn khởi nói: “Đất phèn ở đây rất phù hợp với việc trồng khóm và nuôi cá. Ban đầu tôi chỉ có 5 công, sau nhiều năm tích cóp, hiện nay tôi đang sở hữu 100 công đất, sau khi trừ hết chi phí còn lời khoảng 1 tỷ đồng, năm nay sẽ lời nhiều hơn bởi giá bán tăng khoảng 20%, vậy là chuẩn bị đón Tết ngon lành”

Toàn huyện Tân Phước hiện có gần 16.000ha chuyên canh khóm với sản lượng trên 200.000 tấn trái mỗi năm. Các xã có vùng trồng khóm chuyên canh tập trung lớn gồm: Hưng Thạnh gần 2.500ha, Tân Hòa Đông trên 2.000ha, Thạnh Mỹ gần 2.000ha...

Hiện nay đang vào mùa cao điểm thu hoạch khóm, dù giá bán có thấp hơn đôi chút (từ 6.000-7.000 đồng/kg) thấp hơn so với vài tháng trước đây nhưng nông dân vẫn có lãi bình quân mỗi công trồng khóm sau khi trừ hết từ 9-10 triệu dồng, số tiền không quá lớn so với các loại rau màu, cây ăn trái khác nhưng rất có ý nghĩa với người dân vùng nhiễm phèn nặng như Tân Phước. Không chỉ người trồng khóm phấn khởi mà hàng ngàn lao động làm thuê cũng vui không kém.

Chị Võ Thị Phượng Ngân, quê Long An cho biết thêm: “Gia đình tôi không đất sản xuất nên tới đây làm thuê cho các chủ đất trồng khóm, bình quân mỗi ngày tôi được trả 180.000 đồng, chồng tôi được 200.000 đồng, tuy cực nhưng đủ tiền lo cho 2 đứa con đang học đại học tại TP.HCM. Được một điều là công chuyện có quanh năm”.

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được thành lập năm 1994 trong bối cảnh vô cùng khó khăn về kinh tế, giao thông, cơ sở hạ tầng. Thế nhưng bằng hướng đi phù hợp, vận động thành công sức dân tập trung là chuyển biến bộ mặt nông thôn, trong đó là công cuộc khai hoang, phục hóa khu vực nhiễm phèn mặn Đồng Tháp Mười. Huyện đã đào mới và nạo vét trên 700m kênh thủy lợi cấp 1, 2 và cấp 3; trên 1.100km kênh mương nội đồng nhằm chủ động nguồn nước tưới tiêu, cải tạo trên 15.000ha đất hoang đưa vào sản xuất, tạo tiền đề hình thành các vùng chuyên canh cung ứng nông sản hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

1

Thu hoạch khóm ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước.

Có an cư thì mới lạc nghiệp, huyện đã xây dựng 20 tuyến và 6 cụm dân cư, bố trí cho trên 2.000 hộ có nơi ở ổn định và bảo đảm cho hơn 3.500 hộ dân đang cư trú dọc theo các tuyến kênh mương tránh bị ngập lũ hằng năm, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, an tâm phát triển sản xuất và nâng cao đời sống.

Hiện nay cây khóm đã thực sự là cây chủ lực của Tân Phước với các ưu điểm: Chịu phèn, năng suất cao, đầu ra thuận lợi. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cần quan tâm các vấn đề như: Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh, chú trọng khâu làm đất đúng kỹ thuật, chọn giống tốt, trồng với mật độ vừa phải; sau chu kỳ 3 năm thu hoạch, phải cải tạo trồng lại để bảo đảm năng suất, chất lượng khóm cũng như hiệu quả kinh tế.

Ông Huỳnh Tấn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước nói thêm: “Mặc dù điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng không thuận lợi bởi đất đai nhiễm phèn không thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là không thể trồng lúa năng suất cao và một số cây ăn trái, nên chúng tôi đã chọn cây khóm với nhiều đặc điểm phù hợp để làm cây thoát nghèo cho người dân và đã thành công như mong đợi”.

Quy hoạch đúng hướng, chính quyền hỗ trợ tích cực về vốn, kỹ thuật và các yếu tố sản xuất khác cùng với sự cần cù lao động của nhiều nông dân, tất cả đã tạo nên một vùng chuyên canh khóm rộng lớn, dồi dào mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên một vùng quê đã từng được xem là vùng đất hoang, nghèo khổ, khó khăn nhất của tỉnh Tiền Giang.

Nhìn những ghe, xuồng chất đầy khóm ngọt tấp nập tập kết bên các tuyến đường để chuẩn bị đến với các địa phương, nhìn khí thế lao động của hàng trăm nông dân đang chất hàng lên những chiếc xe tải nối dài với nụ cười hớn hở, chúng tôi hiểu nông dân Tân Phước năm nay lai có thêm một mùa khóm ngọt.

Trương Thanh Liêm

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.