Thứ sáu, 03/06/2022, 07:58 AM

Kéo dài Nghị quyết 42 là cần thiết

(CL&CS) - Vấn đề kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Nghị quyết 42) đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đã chia sẻ những quan điểm về vấn đề này trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 2/6.

Nghị quyết 42 có nhiều tác động hết sức tích cực

Theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng: "Nghị quyết 42 có tác động hết sức tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 được ban hành vào tháng 8/2017 và đến tháng 8 năm nay sẽ hết hiệu lực.

Về kết quả, trong tổng số nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn 2017 – 2021 là 750.000 tỷ đồng, thì xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 khoảng 390.000 tỷ đồng, tức là chiếm hơn 50%. Trong tổng số 750.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn này, có đến trên 600.000 tỷ đồng là các tổ chức tín dụng tự xử lý. Còn lại khoảng hơn 100.000 tỷ đồng do VAMC và khoảng 20.000 tỷ đồng do các tổ chức mua bán nợ khác xử lý.

anh-chup-voi-phong-vien

                           Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng trao đổi với các phóng viên, nhà báo

Trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, có thể thấy chính quyền các cấp từ các Bộ, ban ngành đến các chính quyền địa phương đã hưởng ứng một cách tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Ngân hàng thu hồi nợ, phát mại tài sản…

Nghị quyết 42 cũng tác động lớn đến ý thức trả nợ của khách hàng, trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ ngân hàng được nâng lên một cách rõ rệt. Tòa án cũng tiếp nhận xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng, kịp thời đối với những bản án tranh chấp về dân sự.

Đối với việc thu giữ tài sản bảo đảm cho các khoản vay, dù vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều khoản vay đã được các tổ chức tín dụng và VAMC thu giữ và tiến hành phát mại thành công".

Đó là những kết quả tích cực đã đạt được. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số vướng mắc:

Thứ nhất, từ khi Nghị quyết 42 ban hành, tòa án được phép xử lý rút gọn nhưng lại không có bản án tiền lệ để thi hành do còn liên quan đến nhiều luật.

Thứ hai, việc thu giữ và chuyển nhượng tài sản rất khó khăn, đặc biệt là đối với những tài sản bảo đảm không phải là dự án.

Thứ ba, Nghị quyết 42 quy định thu giữ tài sản bảo đảm để trả nợ vay ngân hàng trước song vẫn phải trả thuế theo luật thuế. Có những trường hợp các tổ chức tín dụng phát mại nợ rồi, không thu đủ gốc nhưng vẫn phải nộp đủ thuế mới có thể sang tên tài sản.

Thứ tư, một số chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay. Đặc biệt là ở các cấp phường xã, có khi chưa phổ cập Nghị quyết 42 đến hết các cấp cơ sở.

Ngân hàng không lợi dụng Nghị quyết 42

Bày tỏ quan điểm về ý kiến cho rằng Nghị quyết 42 có lợi cho ngành ngân hàng hay ngân hàng lợi dụng Nghị quyết 42, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, không ngân hàng nào muốn kinh doanh mà để nợ xấu cả.

“Chẳng có ngân hàng nào muốn kinh doanh kém cả, cũng như chẳng có ngân hàng nào muốn lợi dụng Nghị quyết 42 để che giấu nợ xấu. Nhưng hiện nay có tình trạng là chủ nợ phải đi “nịnh” con nợ để thu hồi tài sản bảo đảm. Điều này khó có thể chấp nhận được….”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

nganhang3-1646638264752580682805

Trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu với những kết quả khả quan, tích cực, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều đợt thanh kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ theo đúng quy định.

“Có những ý kiến cho rằng Nghị quyết 42 là “trao đặc quyền cho ngành Ngân hàng”. Tôi không nghĩ đó là đặc quyền khi mà ngân hàng đi đòi nợ rất khó khăn, phát mại tài sản không được, thu giữ tài sản không được, đôn đốc đòi nợ không được, trong khi có trường hợp tạo ra tranh chấp giả để không trả nợ, rồi cố tình không trả lãi, chỉ trả gốc, bỏ mặc tài sản đó cho ngân hàng tự xử lý… Chính vì thế, tôi muốn nói rằng, Nghị quyết 42 có tác dụng rất lớn, tích cực hỗ trợ ngành Ngân hàng”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Cần thiết kéo dài Nghị quyết 42

Với câu hỏi trong bối cảnh hiện nay, khi nợ xấu đã đưa về mức cho phép rồi, tại sao NHNN và Chính phủ vẫn đề nghị kéo dài Nghị quyết 42?; Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trước hết phải đặt câu hỏi, tại sao có Nghị quyết 42 mới xử lý được nợ xấu?. Bởi vì trong quá trình triển khai theo Bộ Luật dân sự, Luật các Tổ chức tín dụng và các bộ luật liên quan có những nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người cho vay và người đi vay, thậm chí giữa người đi vay và người cho vay có sự bình đẳng ngang hàng hoặc có phần nào đó bảo vệ người đi vay nhiều hơn, dẫn tới ngành ngân hàng rất khó khăn trong việc thu nợ.

“Từ Luật các Tổ chức tín dụng, Bộ Luật dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản đến Luật Kinh doanh nhà ở, những nội dung gì chưa phù hợp thì đã được thể hiện trên Nghị quyết 42. Do vậy, Nghị quyết 42 đã được ban hành trên cơ sở rà soát những vướng mắc và đưa ra nội dung phù hợp với thực tiễn”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trong vòng 2 năm qua, ngành Ngân hàng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nợ xấu tiềm ẩn chưa đánh giá hết được. Số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy, hàng triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nợ cơ cấu chỉ vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Số liệu này chưa phản ảnh được hết thực tế. Thực tế, khách hàng vẫn rất khó khăn và tiềm ẩn nợ xấu. Khi thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN, những khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng được vay tiếp nếu có phương án kinh doanh hiệu quả. Ngân hàng đã miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ. Điều này này đặt ra câu hỏi, nếu Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì liệu Ngân hàng có xử lý được nợ xấu hay không?

“Vì vậy, NHNN và Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung và kéo dài Nghị quyết 42. Mong muốn của ngành ngân hàng là sửa đổi bổ sung để có hành lang pháp lý mạnh hơn”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Để xử lý nợ xấu thật sự đạt hiệu quả, rất cần các bộ ngành cùng vào cuộc đánh giá, có kiến nghị bổ sung đối với những luật có nội dung liên quan đến Nghị quyết 42 hoặc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, mang tính đặc thù, xuyên suốt thì mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu.

                                          (Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ )

Tuyết Linh

Bình luận

Nổi bật

'Siêu cầu' 6.300 tỷ đồng bắc qua sông Cấm 'án ngữ' ở Hải Phòng, thay thế cho cảng biển 150 tuổi

'Siêu cầu' 6.300 tỷ đồng bắc qua sông Cấm 'án ngữ' ở Hải Phòng, thay thế cho cảng biển 150 tuổi

sự kiện🞄Chủ nhật, 12/05/2024, 15:09

Sau 150 năm hoạt động, cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, "nhường chỗ" cho đại dự án cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm với tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng.

Từ năm 2025, 7 trường hợp người sử dụng đất tuyệt đối không được cấp sổ đỏ

Từ năm 2025, 7 trường hợp người sử dụng đất tuyệt đối không được cấp sổ đỏ

sự kiện🞄Chủ nhật, 12/05/2024, 15:09

Nhiều trường hợp đất không được quyền cấp sổ đỏ theo quy định mới của Luật Đất đai 2024.

Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam vừa được công nhận: Sở hữu khu rừng trên biển 17.000ha, 7 hệ sinh thái

Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam vừa được công nhận: Sở hữu khu rừng trên biển 17.000ha, 7 hệ sinh thái

sự kiện🞄Chủ nhật, 12/05/2024, 13:50

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, di sản này là khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á.