Thứ ba, 05/10/2021, 16:08 PM

Học viện Chính trị: 70 năm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong các thời kỳ

(CL&CS) - Trải qua 7 thập kỷ xây dựng và trưởng thành (1951-2021), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Học viện Chính trị đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động, sáng tạo, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Thành công lớn nhất của Học viện Chính trị là đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu trong mọi thời kỳ cách mạng, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.  

Bằng tri thức, năng lực và phẩm chất, tác phong được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện tại Học viện Chính trị, các thế hệ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên, cán bộ nghiên cứu khoa học (NCKH), giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV)... đã có mặt ở khắp các chiến trường, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân, đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau. Dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, các đồng chí đều tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH), nhạy bén trong tư duy chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực toàn diện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giờ học tập của Lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị khóa 9 tại Học viện Chính trị. Ảnh: TRUNG HÀ

Giờ học tập của Lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị khóa 9 tại Học viện Chính trị. Ảnh: TRUNG HÀ

Vị thế, uy tín của Học viện Chính trị ngày càng ảnh hưởng rộng lớn, không chỉ trong hệ thống nhà trường quân đội mà cả đối với các cơ quan khoa học, các học viện, trường đại học trong phạm vi cả nước. Học viện Chính trị đã và đang thực sự là một trung tâm giáo dục-đào tạo (GD&ĐT), nghiên cứu KHXH&NV quân sự hàng đầu của quân đội và quốc gia, xứng đáng là đơn vị hai lần được tặng danh hiệu anh hùng, ngày càng tô thắm truyền thống vẻ vang "Kiên định và phát triển, đoàn kết và kỷ luật, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ".

70 năm qua là cả một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ, nhưng cũng rất vẻ vang, luôn gắn liền với sự lớn mạnh của quân đội và sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1951-1954), trong điều kiện mới thành lập, còn nhiều khó khăn nhưng học viện đã mở được 6 khóa học theo phương thức luân lưu bồi dưỡng chính trị-tư tưởng cho hàng nghìn cán bộ trung cấp, cao cấp, kịp thời bổ sung cho chiến trường, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đưa cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới.

Trong 10 năm (1954-1964), miền Bắc có hòa bình, tiến hành xây dựng CNXH, học viện tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị và giảng viên, nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội theo hướng chính quy, hiện đại trong thời bình. Đồng thời, tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chuyển sang thời chiến, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trước những hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ bằng chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân đồng minh vào miền Nam, thực hiện đánh phá miền Bắc, học viện nhanh chóng chuyển hướng công tác GD&ĐT, NCKH, xây dựng đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ của thời chiến với tinh thần "tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, học viện khẩn trương điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với yêu cầu thời chiến. Từ đào tạo tương đối cơ bản, hệ thống, dài ngày nhanh chóng chuyển sang bồi dưỡng cấp tốc ngắn ngày, rút gọn nội dung sát với yêu cầu chiến trường và với từng đối tượng người học, bảo đảm cung cấp kịp thời hàng chục nghìn cán bộ chính trị với chất lượng cao theo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, cả nước tiến lên CNXH, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN), nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời kỳ mới đặt ra cho học viện những yêu cầu mới trong GD&ĐT, NCKH và xây dựng đơn vị. Phát huy những thành tựu đạt được, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng và các Nghị quyết 93, 94 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác GD&ĐT và khoa học công nghệ trong quân đội, học viện đã chủ động sắp xếp lại tổ chức, từng bước đổi mới toàn diện công tác đào tạo và NCKH, tạo ra sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, bậc học, loại hình và đối tượng đào tạo.  

Đại diện Học viện Chính trị trao nhà tình nghĩa tặng thương binh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: ĐỨC CHINH

Đại diện Học viện Chính trị trao nhà tình nghĩa tặng thương binh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: ĐỨC CHINH

Bước vào thế kỷ 21, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa có những thời cơ lớn, vừa có không ít nguy cơ và khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", kết hợp "bạo loạn lật đổ", "răn đe quân sự" nhằm thủ tiêu chế độ XHCN và âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội. Tình hình đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng quân đội vững mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.   

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và chức trách, nhiệm vụ, mô hình nhân cách của người cán bộ chính trị, của chính ủy, chính trị viên trong thời kỳ mới, Học viện Chính trị đã quan tâm tập trung chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trên những nội dung cơ bản:

Một là, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã chú trọng vào nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên.

Hiện nay, sự tác động bởi mặt trái cơ chế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, âm mưu "diễn biến hòa bình" với mục tiêu "phi chính trị hóa" quân đội, tìm mọi cách cô lập, hạ thấp vai trò, uy tín của quân đội, gây trạng thái hoài nghi giữa nhân dân đối với quân đội... đòi hỏi cán bộ chính trị, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên phải có chất lượng mới, yêu cầu mới về bản lĩnh chính trị, phân biệt rõ đúng, sai, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, phê phán, chống lại cái sai; vững vàng, kiên định, sắc sảo, linh hoạt trong xử lý các tình huống chính trị; luôn tỉnh táo trước sự phức tạp, đa dạng của tình hình chính trị-xã hội. Học viện Chính trị chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho học viên về bản lĩnh chính trị, chú ý cả bồi dưỡng nhận thức chính trị, tình cảm và hành vi chính trị; trong đó đặc biệt chú ý bồi dưỡng trình độ nhận thức chính trị, bảo đảm nắm vững Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước...; không ngừng nâng cao nhận thức, cảnh giác cách mạng, luôn nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch; chú trọng bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bồi dưỡng phương pháp tư duy chính trị trong giải quyết các mối quan hệ chính trị-xã hội; nâng cao trình độ lý luận, hệ thống tri thức KHXH&NV, khoa học quân sự... để họ thực sự là những trí thức cách mạng trong lĩnh vực quân sự.  

Hai là, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải tập trung vào nâng cao năng lực toàn diện, trước hết là năng lực chính trị và quân sự của cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên.

Cán bộ chính trị, trước hết là đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong quân đội là những người chuyên trách về điều hành công tác Đảng, công tác chính trị. Lĩnh vực công tác đặc thù này đòi hỏi cán bộ chính trị không những phải giỏi công tác tư tưởng, công tác tổ chức mà còn phải biết và thạo công tác chỉ huy, tham mưu quân sự. Vì vậy, quá trình đào tạo, bồi dưỡng đã chú trọng bảo đảm khối lượng kiến thức cả chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, học viện đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị hướng vào bảo đảm yêu cầu sản phẩm đào tạo vừa là nhà lãnh đạo, chỉ huy, vừa là nhà lý luận, có kiến thức cơ bản vững, có trình độ chuyên sâu cao, nắm được các kiến thức ngành có liên quan, thường xuyên được cập nhật những tri thức mới của thời đại và thực tiễn kinh tế-xã hội trong nước. Nội dung đào tạo tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; gắn đào tạo theo chức danh với đào tạo theo trình độ học vấn; bảo đảm tính kế thừa, liên thông giữa các cấp học, bậc học và từng ngành đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường với đơn vị, đào tạo với sử dụng. Chú trọng phát triển kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học; phát triển năng lực sáng tạo của người học. Thời lượng giảng dạy bảo đảm cân đối giữa lý thuyết và thực hành; điều chỉnh giảm bớt thời gian giảng dạy lý thuyết, tăng thời gian cho các hình thức tập bài, thực hành, thực tập; bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các khối kiến thức.  

Ba là, nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống và tác phong của cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên trong thời kỳ mới.

Bất cứ thời kỳ nào, yêu cầu chuẩn mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong của người cán bộ chính trị đều được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay có nhiều yêu cầu mới. Nếu trong chiến tranh, phẩm chất, đạo đức, tác phong của người cán bộ chính trị, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên đòi hỏi phải gương mẫu nhận khó khăn về mình, sẵn sàng hy sinh, cùng đồng cam cộng khổ với anh em binh sĩ... thì trong điều kiện thời bình và trước tác động của kinh tế thị trường, trước sự phá hoại của các thế lực thù địch, các phẩm chất, đạo đức, lối sống đang đứng trước những thử thách mới. Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, sự xuống cấp của các giá trị đạo đức, quan hệ đồng chí, đồng đội... đâu đó đã len lỏi vào đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên trong quân đội nói riêng. Vì vậy, Học viện Chính trị chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, đặc biệt là bồi dưỡng nhân cách của người cán bộ chính trị. Nhờ đó, sau khi ra trường, họ có đủ uy tín đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức trách chủ trì công tác chính trị ở các đơn vị.

Với nhiều thành tích xuất sắc, Học viện Chính trị được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao Vàng; 2 Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì; hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. 

Trung tướng,PGS,TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị

Bình luận

Nổi bật

Tây Ninh khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN

Tây Ninh khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 22:47

(CL&CS) - Sáng ngày 19/5, tại tỉnh Tây Ninh, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện Lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án trọng điểm Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công nhận Vùng an toàn dịch bệnh Tây Ninh và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:14

(CL&CS) - Chiều tối 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 07:21

(CL&CS) - Chiều ngày 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị.