Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 03/06/2016, 08:52 AM

Học trò nghỉ lễ và “phượt” thời ấy

(NTD) - Vào những năm của thập niên 80 của thế kỷ trước, sau giải phóng vài năm, cả nước vẫn còn khó khăn trăm bề. Cũng trong cái khó ló cái khôn, lũ choai choai mới lớn chúng tôi độ 14-15 tuổi, vẫn tìm được những niềm vui riêng trong những ngày hội lớn.

“Bóp bụng” để xem ca nhạc

Thời ấy, ngày lễ ngày Tết chưa được nghỉ dài ngày như bây giờ. Ngay cả đi học, vẫn học hết ngày thứ bảy, chỉ được nghỉ chủ nhật. Các ngày lễ như 30/4, 1/5, Quốc khánh chỉ được nghỉ đúng ngày. Nếu ngày lễ rơi vào chủ nhật coi như là... không nghỉ, chẳng có chuyện nghỉ bù như hiện nay. Cái thèm thuồng duy nhất của đám con trai ở Sài Gòn là xem phim.

Truyền hình thì không phải nhà nào cũng có, mà có thì toàn là phim Việt Nam và phim Liên Xô, hãn hữu lắm mới có phim của Đức. Còn coi phim rạp thì đào đâu ra tiền để mua vé. Thế là tụi tôi nảy ra sáng kiến “ăn ké” những ai đi coi phim một mình. Đến rạp là mạnh đứa nào đứa ấy bám vào năn nỉ những anh chị, ông bà lớn tuổi, nhờ họ nhận mình là người nhà, là em, là con cháu, để họ dẫn vô rạp coi. Đứa nào lọt vào là coi như “trúng mánh”. Tội cho mấy đứa ở ngoài, ráng đợi bạn bè xem xong rồi kể lại cho đỡ... thèm.

SG-85
Tụ tập ra bờ sông Sài Gòn hóng mát, “tám” chuyện.

Ca nhạc cũng vậy, cả xóm chỉ có cây đàn guitar, mỗi tối, nhất là các tối cúp điện, đám choai choai ngồi bu quanh các anh chị lớn, cứ thế là nghêu ngao hát những ca khúc: Tình đất đỏ miền Đông, Giải phóng miền Nam, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Lá đỏ, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn... cùng những bài “nhạc vàng”, chúng tôi thuộc nằm lòng lúc nào không biết.

Còn tụ điểm ca nhạc, tụi choai choai Sài Gòn chỉ biết đến tụ điểm 126 (Q.3) hoặc Nhà văn hóa Thanh Niên. 126 coi như là “xa xỉ” bởi có bán vé, gần như ít ai có tiền mua vé vào coi. Nhà văn hóa Thanh Niên thì miễn phí nhưng phải chịu khó “cuốc bộ” hơi xa.

SG-85-1
Dân Sài Gòn ra ngồi chơi, tụ tập trước bãi cỏ dinh Độc Lập.

Qua những năm 1985 trở về sau, Sài Gòn rộ lên phong trào coi ca nhạc video có bán vé. Giá vé cũng cỡ tiền nhịn ăn sáng cả tuần nên ai ghiền thì ráng bóp bụng đi học để cuối tuần đi coi ca nhạc. Những nơi chiếu là những khách sạn, nhà hàng hoặc nhà văn hóa quận. Chỉ có cái TV nhỏ xíu, cái đầu máy mà cả trăm người chen chúc nhau trong cái phòng chỉ khoảng vài chục mét vuông, thưởng thức những bản nhạc bất hủ của ABBA, Boney M, Model Talking...

SG-85-3
Tập dượt văn nghệ mừng ngày thống nhất đất nước.

Thỏa thuê với trái cây “bao ăn”

Thời đó, chuyện đi chơi xa, nôm na là đi du lịch là chuyện không tưởng. Tuổi mới lớn, con trai ai cũng cuồng chân, cuồng tay nên việc “liều” đi chơi xa kể cũng đáng. Muốn đi chơi xa, không thể cuốc bộ mà xe đạp là loại “hàng hiếm” của mỗi gia đình không mấy khá giả. Cho nên, cả nhóm trong lớp (hoặc trong xóm) phải lên kế hoạch trước cả tháng.

Nội chuyện xin phép ba mẹ để mượn chiếc xe đạp trong một ngày nghỉ lễ hoặc Chủ nhật là khó rồi. Trong những năm tháng đó, ai nấy cũng “ra sức phấn đấu, rèn luyện”, nào là phải học thật giỏi, phải siêng làm việc nhà, tuyệt nhiên không được cãi lời ba mẹ, không đánh nhau... để ba mẹ xiêu lòng mà cho mượn chiếc xe đạp vào ngày lễ và quan trọng nhất là phải để dành tiền.

SG-85-4
Mít tinh kỷ niệm ngày 30/4 và 1/5 tại Nhà hát Thành phố.

Ngày 30/4 năm 1982, chúng tôi có một chuyến đi Vũng Tàu để đời. Hơn 10 đứa con trai cùng lớp hẹn nhau ở cổng trường từ 4h sáng. Đã góp tiền và phân công từ trước, đứa mua bánh mì, đứa “thủ” theo chai nước tương, đứa mang bình trà đá, đứa lo một bộ đồ nghề bơm, vá, sửa xe. Sức trai, hơn 100 km ra Vũng Tàu đâu có ăn nhằm gì, vậy mà chúng tôi thay phiên nhau đạp từ 4h sáng đến tận 9h mới đến Vũng Tàu.

Quá “phê” trước cảnh trời, mây, nắng, biển... cả đám nhào xuống tắm cho hả hê, tha hồ la hét. Tắm đã, lên bờ mỗi đứa một ổ bánh mì xịt nước tương mà gặm lấy gặm để. Để no, ai cũng ra sức “tu” trà đá để bánh mì nở ra cho chắc bụng. Quá 12h, chúng tôi lại lên đường đội cái nắng muốn bể đầu để đạp xe về nhà. Đường sá hồi đó, chưa được tu bổ hay làm mới như bây giờ, nên xấu khủng khiếp, quá nhiều đoạn trải đá, ổ gà, ổ voi nhan nhản. Vài chiếc xe đạp đâu kham nổi quãng đường quá xa, quá nhọc nhằn như thế bao giờ nên trở chứng.

Chiếc thì “banh ta lông” (bung lốp xe ra khỏi cái vành bằng sắt nằm phía trong lốp), chiếc thì đứt dây sên. Hì hục sửa mãi rồi cũng ráng “lết” về. Đến nhà đã quá 7h tối, nên tắm rửa, ăn cơm xong là leo lên giường “thăng” một mạch đến sáng. Sáng mai là ngày 1/5, cũng nghỉ nên tha hồ ngủ nướng. Đến ngày đi học, đám con gái cứ trố mắt nhìn chúng tôi bởi thằng nào cũng đen trũi. Có đứa đã bắt đầu tróc da, nhả nắng ở mũi, ở gò má mà đứa nào cũng hả hê, tha hồ “nổ” những chuyện đáng nhớ ở dọc đường cho tụi bạn trong lớp.

SG-88
Gia đình và dàn máy nghe nhạc cassette “đỉnh” trong thời ấy.

Bạn gái trong lớp đi chung thì quá vui nhưng con gái không thể đi xa như con trai. Nên các nàng thường rủ con trai trong lớp đi “picnic” các ngày nghỉ lễ, chỉ loanh quanh cách Sài Gòn vài ba chục cây số. Địa điểm lý tưởng nhất là đi núi Bửu Long (Biên Hòa) rồi ghé qua dạo chơi làng bưởi Tân Triều gần đó. Nơi mà các nàng thả “tâm hồn ăn uống” là vườn trái cây Lái Thiêu (Bình Dương, trước là tỉnh Sông Bé).

Hồi đó, nhà vườn thường bán trái cây “bao ăn”. Là chủ vườn sẽ đếm coi có bao nhiêu người vô vườn, mỗi đầu người, chủ vườn sẽ thu một số tiền nhất định (thường rẻ cho tụi học sinh), rồi cho mọi người tha hồ hái trái cây, mặc sức mà ăn, ăn no nê tại vườn, không cho mang về một chút nào. Các bạn gái, vốn “liễu yếu, đào tơ” mà sao lấy sức đâu ăn khỏe thấy sợ. Hầu như lúc nào cũng thấy trên tay họ một thứ trái cây nào đó, miệng thì chóp chép vừa nhai, vừa ríu rít nói chuyện. Chiều về là ai cũng no “cành hông”.

Những ngày nghỉ lễ đó dần trôi qua, cuộc sống dần no đủ và khá giả hơn. Bây giờ, những ngày nghỉ lễ kéo dài, có khi đến 4-5 ngày hay cả tuần. Rồi phương tiện đi lại cá nhân dần hiện đại, sắm xe hơi không phải là quá xa lạ nên chuyện đi trong một ngày là quá dễ. Nghỉ lễ dài thì có thể đi đến địa đầu phía Bắc hay cực Nam đất nước cho thỏa tầm nhìn về cuộc sống và đất nước tươi đẹp ngày nay. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy những chuyến đi ngông cuồng, phá sức tuổi mới lớn trên chiếc xe đạp cọc cạnh vẫn có gì đó thật thú vị, vì đó là những trải nghiệm và khám phá đầu đời.

Quốc Định

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.