Giật mình với các cổ đông lướt sóng của VPBank

(NTD) - Giới đầu tư giật mình khi chứng kiến nhiều cổ đông Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) liên tục “lướt sóng” với những thương vụ giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Điều đáng nói, các cổ đông này rất kín tiếng...

VPBANK
Nhiều cổ đông sau khi bán hết cổ phiếu VPB thì "chết yểu".

Những thương vụ trị giá 8.000 tỷ

Từ năm 2017, cổ phiếu ngân hàng liên tục bứt phá và dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam lập các kỷ lục mới. Trong đó, VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng là một trong những mã được chú ý nhất với tốc độ tăng rất mạnh về giá cổ phiếu và lợi nhuận hàng quý.

Thế nhưng, cổ đông VPB vẫn có lý do để lo lắng khi chứng kiến chỉ trong thời gian rất ngắn có nhiều cổ đông của VPB “lướt sóng” cổ phiếu trong các thương vụ giá trị ngàn tỷ đồng.

Ngày 11/4, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo về việc chuyển nhượng quyền sở hữu chứng khoán VPB. Theo đó, bên chuyển quyền sở hữu là Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh Trang Thành, và bên nhận chuyển nhượng là ông Trần Quốc Anh Thuyên.

Tổng số cổ phiếu chuyển nhượng là hơn 22,7 triệu cổ phiếu, ngày hiệu lực là 11/4. Tính theo thị giá VPB ngày 11/4 (66.100 đồng/cp), lượng cổ phiếu này giá trị tương đương 1.500 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Trần Quốc Anh Thuyên phải chi 1.500 tỷ đồng để sở hữu 22,7 triệu cổ phiếu VPB từ Công ty Trang Thành.

Đây không phải lần đầu tiên trong thời gian này, cổ đông VPB chứng kiến những đợt giao dịch khủng. Mới đây, hồi cuối tháng 3/2018, VSD cũng đã công bố thông tin về 2 thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu VPB với tổng giá trị lên tới 6.500 tỷ đồng.

Cụ thể, theo VSD, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng chuyển nhượng cho bà Đỗ Thị Mai 47,54 triệu cổ phần và bà Bùi Bích Hạnh 2,45 triệu cổ phiếu. Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên chuyển nhượng cho bà Trần Thị Hương 23,2 triệu cổ phiếu và bà Đặng Thị Thanh Tâm 26,74 triệu cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch 28/3, VPB dừng ở mức 64.900 đồng/cp. Ở mức giá này, để sở hữu lượng cổ phiếu kể trên, bà Đỗ Thị Mai phải chi khoảng 3.085 tỷ đồng, bà Bùi Bích Hạnh phải chi khoảng 159 tỷ đồng. Số tiền mà bà Trần Thị Hương và bà Đặng Thị Thanh Tâm phải bỏ ra là 1.505 tỷ và 1.783 tỷ đồng.

Với việc sở hữu lượng cổ phiếu VPB có giá trị lớn như vậy, 4 nữ đại gia này sẽ có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau khi VPBank cập nhật lại danh sách cổ đông.

Cổ đông “chết yểu”

Sẽ là điều bình thường nếu các nhà đầu tư này giao dịch qua môi giới trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, những thương vụ này lại trở thành tâm điểm khi các bên mua bán có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đặc biệt, sau khi “thoát hàng”, các tổ chức bất ngờ… “chết yểu”.

Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng, đơn vị bán ra gần 50 triệu cổ phiếu VPB được thành lập tháng 7/2017, trong khi đó, cổ phiếu VPBank chào sàn ngày 17/8/2017, chỉ 1 tháng sau khi Quang Đăng thành lập.

Đại diện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Quang Đăng là bà Đỗ Thị Mai trùng tên với người nhận chuyển nhượng 47,54 triệu cổ phiếu VPB. Thành viên góp vốn tại Quang Đăng cũng chính là Bùi Bích Hạnh, trùng tên với người nhận chuyển nhượng 2,45 triệu cổ phiếu VPB.

Ngành nghề hoạt động kinh doanh chính của công ty này là “Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu”. Ngoài ra, Quang Đăng còn đăng ký thêm sửa chữa thiết bị điện, xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ…

Thế nhưng, hoạt động chưa được bao lâu, công ty này đã tự “khai tử”. Quang Đăng đã tuyên bố giải thể ngày 6/2 với lý do kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến không thể duy trì hoạt động.

Kịch bản tương tự đã xảy ra ở Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên. Lưu Khuyên cũng được thành lập tháng 7/2017 cùng địa chỉ với Quang Đăng. Đại diện pháp luật của Lưu Khuyên là bà Trần Thị Hương, trùng tên với người nhận chuyển nhượng 23,19 triệu cổ phiếu VPB.

Ngành nghề kinh doanh chính của Lưu Khuyên cũng là “Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu”. Công ty này cũng đã ra Nghị quyết giải thể dù chỉ mới hoạt động được vài tháng.

Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh Trang Thành không “chết yểu” như Quang Đăng và Lưu Khuyên nhưng lại khiến cổ đông khó hiểu vì không thể tìm được thông tin của công ty như Quang Đăng và Lưu Khuyên.

Những điều bí ẩn trong các thương vụ giao dịch VPB khủng khiến nhà đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi có hay không việc các công ty này được thành lập với mục đích “làm giá” cho cổ phiếu VPB khi cổ phiếu này chào sàn?

 Vy Vy

_NTD_So 426_9
 

 

Bình luận

Nổi bật

Vì sao hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang?

Vì sao hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang?

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 10:03

Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.

2 kịch bản của thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024

2 kịch bản của thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:19

Nhận định về thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch của HoREA cho biết, sẽ có hai kịch bản có thể xảy ra, tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2024.

Sẽ rút giấy phép doanh nghiệp mua bán vàng không xuất hóa đơn điện tử

Sẽ rút giấy phép doanh nghiệp mua bán vàng không xuất hóa đơn điện tử

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:19

(CL&CS)- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.