Công nghệ “huyết mạch” kết nối mạng lưới logistics

(NTD) - Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động logistics giúp cải thiện tình hình kiểm soát và lên kế hoạch dễ dàng hơn 70%, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) 70%; giảm thiệt hại do con người gây ra 67%, giảm chi phí nhân lực trong quản lý hơn 61,9%; cải thiện quan hệ khách hàng 60,8% và giảm thiểu chi phí 57,7%.

Giảm 50% chi phí vận tải

Vina T&T là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu rau quả, với kim ngạch mỗi năm đạt khoảng 30 triệu USD. Thời gian gần đây, T&T ứng dụng phần mềm Việt Map vào mảng quản lý vận tải. Trong 4 tháng ứng dụng, chi phí vận tải của DN này đã giảm 15%, thay vì phải tiêu tốn 30% như thời điểm trước. Điều này giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đình Mười - Phó Tổng Giám đốc Vina T&T cho biết: “Trái cây khi vận chuyển nhiệt độ phải bảo đảm từ 5-7 độ. Tuy nhiên trên đường vận chuyển xảy ra kẹt xe, hư hỏng máy móc chẳng hạn sẽ khiến cho nhiệt độ trong xe bị tác động bởi nhiệt độ bên ngoài. Lúc này tài xế chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ qua hệ thống này sao cho phù hợp. Do đó hàng hóa của chúng tôi không bao giờ bị hỏng hay giảm chất lượng”

Ông Nguyễn Duy Hồng - Phó Giám đốc CTCP Giải pháp Chuỗi cung ứng Smartlog nhận định, hiện nay ứng dụng 4.0 trong logistics là nhu cầu của người sử dụng và nhà cung cấp. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu 20-30 xe tải thì 2-3 năm giảm 25-30% chi phí. Việc mạnh dạn sử dụng ứng dụng công nghệ 4.0 đối với chủ hàng, chủ xe đang là nhu cầu lớn bắt đầu có nhà cung cấp chuyên môn hơn phục vụ nhu cầu.

Có thể thấy, ứng dụng CNTT là hoạt động quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics, làm giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ thông tin là bước đi cần thiết và bắt kịp xu hướng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Dù tốc độ tăng trưởng thấy rõ, tuy nhiên số doanh nghiệp logistics trong nước quan tâm, đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

1

Công nghệ thông tin là nền tảng kết nối và phát triển ngành logistics hiện nay.

Áp dụng công nghệ nhưng vẫn gặp khó

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương, số lượng các doanh nghiệp logistics áp dụng công nghệ chỉ chiếm gần 50%. Trao đổi thông tin trong ngành logistics còn hạn chế. Mỗi doanh nghiệp chỉ tham gia một phần trong chuỗi càng làm cho thông tin không đồng bộ hoặc chưa đủ dữ liệu cho các giao dịch. Mới chỉ có doanh nghiệp logistics lớn trong nước đầu tư các giải pháp công nghệ. Các doanh nghiệp logistics trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ ít vốn, thiếu kinh nghiệm, thông tin; giao dịch toàn cầu hạn chế; phần lớn chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ, ít giá trị gia tăng. Do vậy các doanh nghiệp này chưa mạnh dạn đầu tư các giải pháp công nghệ, trong khi đó chi phí đầu tư công nghệ ban đầu là khá lớn.

Mặc dù mang lại lợi ích lớn trong sản xuất, tuy nhiên việc áp dụng CNTT trong logistics lại rất hạn chế. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc ứng dụng CNTT trong logistics của Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn, là do nước ta có ít doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cũng như các doanh nghiệp chưa cung ứng đủ nhu cầu về CNTT của các công ty logistics hiện nay.

Hiện nay, nguồn cung cấp các hệ thống quản lý điều hành dịch vụ kho hàng tại Việt Nam hiện rất hạn chế. Các công ty phần mềm trong nước đa số chưa hiểu rõ tính năng yêu cầu, mô hình kinh doanh của công ty dịch vụ logistics, lực lượng hỗ trợ kỹ thuật thiếu kinh nghiệm.

Cần vững vàng đối mặt trước những đối thủ trong khu vực

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm logistics Transimex công nghệ cao: “Với chi phí cho lĩnh vực logistics về cơ sở hạ tầng cũng như về các phần mềm có áp dụng CNTT như hiện nay thì chi phí mà doanh nghiệp đầu tư rất lớn. Khi làm việc với khách hàng chúng tôi gặp một số khó khăn. Ở đây tạm thời chia ra làm 2 loại, thứ nhất là khách hàng nước ngoài họ đòi hỏi về chất lượng dịch vụ, kinh nghiệm bề dày truyền thống. Còn đối với khách hàng Việt Nam đa số là vừa và nhỏ thì đều hỏi về vấn đề chi phí”.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA cho biết thêm: Ví dụ như trong quản trị kho, quản trị vận hành kho, quản trị giao hàng thì ngoài phần mềm còn có các phần cứng là thiết bị đầu - cuối, hệ internet phải phủ toàn bộ trung tâm logistics thì mới đáp ứng được CNTT trong quản lý kho. Rồi ngay cả các thiết bị mà chúng ta gọi là máy tính cầm tay để vận hành cũng đã có giá từ 3-5 ngàn USD.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư công nghệ vào vận hành logistics nhưng vấn đề đặt ra là AI sẽ là nhà cung cấp các giải pháp phù hợp và liệu rằng các vấn đề an ninh dữ liệu, vấn đề về sự ổn định trong vận hành; vấn đề về hiệu quả đầu tư thu hồi vốn có thỏa mãn yêu cầu của từng doanh nghiệp...

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đặc biệt là việc ký kết các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, các công ty logistics Việt Nam cần vững vàng đối mặt trước những đối thủ trong khu vực có những lợi thế cạnh tranh nổi bật về tiềm lực tài chính, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực và đặc biệt là CNTT hiện đại. CNTT là một thành phần quan trọng trong hạ tầng mềm của lĩnh vực logistics với nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng từ các dịch vụ sử dụng ứng dụng CNTT trực tiếp đến gián tiếp.

Kim Ngọc

 

Bình luận

Nổi bật

Nghịch lý trên thị trường căn hộ: “Vừa thừa lại vừa thiếu”

Nghịch lý trên thị trường căn hộ: “Vừa thừa lại vừa thiếu”

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 14:43

Nghe có vẻ vô lý nhưng đây lại là thực trạng đang diễn ra tại thị trường căn hộ ở TP Hồ Chí Minh. Trong khi nhu cầu ở của người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp ngày càng cao thì lại có đến hơn 9.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang, gây lãng phí.

Là kênh “giữ tiền” hàng đầu nhưng vì sao bất động sản vẫn chưa được khai thách triệt để?

Là kênh “giữ tiền” hàng đầu nhưng vì sao bất động sản vẫn chưa được khai thách triệt để?

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 14:43

Dù thị trường bất động sản chưa thể “sôi động” trở lại sau thời gian dài trầm lắng, tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào đây vẫn là kênh đầu tư đạt lợi nhuận tốt so với những loại hình đầu tư khác. Đồng thời cũng là kênh “giữ tiền” hàng đầu. Những khó khăn, thách thức đang “kìm hãm” sự phát triển của kênh đầu tư tiềm năng này.

99% đối tượng và nội dung khiếu nại, tố cáo ở Tây Ninh liên quan đến đất đai

99% đối tượng và nội dung khiếu nại, tố cáo ở Tây Ninh liên quan đến đất đai

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 07:23

Ban tiếp công dân tỉnh Tây Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm có 187 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến UBND tỉnh qua các nguồn. Trong đó, 99% đối tượng và nội dung chủ yếu là liên quan đến đất đai.