Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 07/08/2020, 14:31 PM

Cổ phần hóa: Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm

(CL&CS) - Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hóa, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngày 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (BCĐ) chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của BCĐ.

Pho Thu tuong Truong Hoa Binh
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Chinhphu

Nhiều vướng mắc, bất cập trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19, BCĐ đã tích cực hoạt động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chủ động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách và quy định pháp luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, vừa bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc cần sớm khắc phục. Đó là, tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đề ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg ĐMDN, đến nay mới đạt 28,3% kế hoạch. Tiến độ thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra. Trong 6 tháng đầu năm, hầu như chưa thực hiện được việc cổ phần hóa hay thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước nào lớn. Đến nay, đã thoái vốn Nhà nước tại 92 doanh nghiệp, đạt 26,4% kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực nhìn nhận, các bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn quy định tại các Nghị định 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP và các Quyết định: 22/2015/QĐ- TTg, 31/2017/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.

Trong đó, có những vấn đề đang đặt ra như việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán, quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa; chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt tại một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương, triển khai đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty đã được Thủ tướng phê duyệt còn chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa.

Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm

Chỉ rõ nguyên nhân của hạn chế, tồn tại nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, đó là việc chậm sửa đổi quy định về cổ phần hóa, thoái vốn. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa. Việc này có thể do hiểu không đúng pháp luật hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, chậm cho ý kiến hoặc ý kiến không rõ ràng đối với những vấn đề Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán. Phải chăng do những quy định của chúng ta đối với thị trường chứng khoán chưa thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo sự sôi động, bởi đây như hàn thử biểu đánh giá sự sôi động của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2020, Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu cao nhất nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để nỗ lực phấn đấu cao nhất trong việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ đề xuất xây dựng nghị định về quản lý sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, hoàn thiện các nghị định, khẩn trương trình Chính phủ ban hành; chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, đôn đốc việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm trong việc chậm, không thực hiện.

“Làm rõ tình trạng nghị định được ban hành nhiều, có văn bản trùng lắp, có văn bản đã quy định rõ ràng nhưng khi thực hiện thì các bộ, ngành, doanh nghiệp vẫn nói chồng chéo. Vừa qua, Thường trực Chính phủ đã làm rõ là nhiều vấn đề hiểu không đúng, dẫn đến lòng vòng. Do vậy, bộ chủ quản phải hiểu cho đúng để hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc, không để chậm trễ, kéo dài. Trong vấn đề này, ngoài việc pháp luật có chồng chéo cũng có nguyên nhân do tinh thần trách nhiệm không cao, nên để xảy ra chậm trễ, kéo dài”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Truy trách nhiệm khi không thực hiện kết luận thanh tra

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định về đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này. Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ cổ phân hóa các Tổng công ty: Xi măng Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và đô thị theo kế hoạch.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc bảo đảm yêu cầu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020; chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc.

Đặc biệt, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu việc xử lý tài chính, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp theo hướng giao một cơ quan phân loại đất đai thuộc sở hữu của các doanh nghiệp. Đất nào không còn sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì tập trung về một đầu mối để có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả.

UBND TP. Hà Nội và TP.HCM đẩy nhanh tiến độ việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất; cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn. Thực hiện có kết quả kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo tiến độ được phê duyệt. Chú ý xử lý sau thanh tra tại 2 thành phố này để thu lại tài sản theo kết luận của thanh tra. Nếu không thực hiện thì xác định rõ đây là trách nhiệm của lãnh đạo đương nhiệm, chứ không phải tiền nhiệm.

Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 6/2020, cả nước đã cổ phần hóa 175 doanh nghiệp với quy mô vốn Nhà nước được xác định lại đạt 207.145 tỷ đồng (quy mô vốn Nhà nước xác định lại của năm 2016 là 27.328 tỷ đồng, năm 2017 là 161.947 tỷ đồng, năm 2018 là 15.543 tỷ đồng), bằng 109% tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015.

Thoái vốn 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng (gấp 6,8 lần giá trị sổ sách). Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 218.012 tỷ đồng, gấp 2,79 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng). Số tiền chuyển Ngân sách Nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội đạt 211.500/250.000 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch của cả giai đoạn 2016 - 2020.


Như Nguyễn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.