Dữ liệu cũ
Thứ năm, 19/04/2018, 12:15 PM

Chính sách thu hẹp khoảng cách tay nghề

(NTD) - Việt Nam có lực lượng lao động hiệu quả dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp - yếu tố giúp thu hút nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu (XK) cần nhiều lao động.

Dạy nghề
 

Kể từ năm 2012, sản xuất công nghiệp đã hấp thụ trung bình 400.000 lao động mỗi năm.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI, và đối với hoạt động kinh doanh nói chung. Trong Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, Diễn đàn kinh tế Thế giới nêu: “Lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ” - hạn chế lớn thứ hai trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tương tự, khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp, khoảng 70-80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động này, Việt Nam cần ưu tiên cho 3 nhóm sáng kiến, nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề: Mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng và tinh giản quản trị.

Việc mở rộng tiếp cận là yếu tố then chốt. Lực lượng lao động của Việt Nam đang tăng nhanh. Từ 38 triệu người vào năm 2000, lực lượng này dự báo sẽ đạt 56 triệu vào năm 2020. Mặc dù đã được tăng cường đầu tư, song năng lực đào tạo hiện tại của các trường, trung tâm dạy nghề không đủ để đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động to lớn này. Hiện tại, chỉ có 20% người lao động trên cả nước có bằng đại học, hoặc được đào tạo nghề bài bản.

Thứ hai, nhu cầu cải thiện chất lượng. Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế cho thấy, học sinh trung học của Việt Nam có kết quả học tập một số môn khá hơn đáng kể so với học sinh các nước khác ở Đông Nam Á, kể cả học sinh ở những nước giàu hơn như Thái Lan hay Malaysia. Tuy nhiên, cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc xây dựng cho sinh viên đại học năng lực tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và kỹ năng quản lý con người trong hoàn cảnh thực tế. Minh chứng cho vấn đề này, xếp hạng của Việt Nam về cảm nhận chất lượng hệ thống giáo dục đại học trong Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 tụt một bậc, xuống vị trí 84 trong gần 140 quốc gia được khảo sát. Trong khi đó, Việt Nam chỉ xếp thứ 120 về chất lượng các trường quản lý - điểm xếp hạng thấp nhất trong tất cả các cấu phần nội dung của chỉ số. Kết quả này bộc lộ nhu cầu cấp bách phải khớp nối được chương trình đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù các nỗ lực cải cách trong những năm gần đây đã đạt một số tiến bộ, nhưng các trường đại học công lập và một số trường đào tạo nghề vẫn còn bị hạn chế bởi thiếu sự tự chủ và chương trình lạc hậu chậm đổi mới, trong khi đó các trường đại học tư thục lại bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh. Tóm lại, cần có sự hợp tác mạnh mẽ và nhất quán hơn giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để nâng cấp hệ thống giáo dục đại học lên tầm quốc tế và chuẩn bị tốt hơn cho học sinh bước vào thị trường lao động trong tương lai.

Điểm cuối cùng, cần phải tinh giản hệ thống và công tác quản trị trường đại học và trường đào tạo nghề. Công tác quản lý hiệu quả càng trở nên phức tạp hơn do trách nhiệm quản lý trên 2.000 cơ sở đào tạo nằm rải rác ở 13 bộ ngành chủ quản và 63 tỉnh, thành. Mặc dù từ năm 2005 việc kiểm định chất lượng đã trở nên bắt buộc với tất cả các trường, song trên thực tế việc áp dụng chuẩn mực chung vẫn rất khó khăn. Tương tự, tình trạng quản lý manh mún gây khó khăn cho việc xây dựng các chiến lược phối hợp nhằm đạt được mục tiêu chính sách quốc gia, hoặc cùng áp dụng chuẩn mực chung và chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo.

Những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải mất một thế hệ mới đạt được kết quả, do vậy cần phải bắt tay vào công tác hiện đại hoá trường đại học và đào tạo nghề từ bây giờ. Làm vậy để bảo đảm rằng vấn đề lao động thiếu hụt tay nghề sẽ không trở thành nút thắt cản trở tương lai phát triển và tăng trưởng của đất nước.

 Thanh Mai

_NTD_So 426_11
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.