Dữ liệu cũ
Thứ tư, 28/11/2018, 15:24 PM

Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng nổ trên khắp các “mặt trận” châu Á...

(NTD) - Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chuyển thành “đấu khẩu” và chạy đua giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc tại các diễn đàn ASEAN và APEC trong tuần rồi. Cuộc so kè đó lan sang “mặt trận” Philippines và dự kiến sẽ làm u ám cuộc họp thượng đỉnh khối G20 vào cuối tháng 11 này ở Argentina.

• APEC 2018 lần đầu tiên không đưa ra được thông cáo chung

APEC 2018: “Đấu trường” chưa từng có!

Tại Hội nghị APEC CEO Summit tổ chức trên một du thuyền neo ở cảng Port Moresby hôm 17/11, Chủ tịch Tập Cận Bình là người nổ phát pháo đầu tiên khi tấn công vào chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương. “Lịch sử đã cho thấy rằng đối đầu, dù là hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại đều không có kẻ chiến thắng” - ông Tập phát biểu.

Không lâu sau đó, Phó Tổng thống Mike Pence đã tấn công không nhoan nhượng chuyện Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp bản quyền và trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước ở mức độ chưa từng có. Ông nhấn mạnh “Hoa Kỳ sẽ kiên định cho đến khi Trung Quốc thay đổi cách hành xử của mình”. Phó Tổng thống Pence cũng chỉ trích Trung Quốc lợi dụng tình trạng thiếu vốn cho cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển để đưa họ vào “bẫy nợ” và khống chế! Ông gọi sáng kiến Vành đai và con đường là “sợi dây lưng thắt chặt và con đường một chiều” đầy rủi ro và nói rằng Hoa Kỳ sẽ đưa ra “lựa chọn tốt hơn” với gói tài trợ 60 tỷ USD. Nhật Bản cũng “châm” thêm 10 tỷ USD cho sáng kiến của Hoa Kỳ.

Trước ảnh hưởng của Trung Quốc, ông Pence đã quyết định ở lại Port Moresby tối 17/11 thay vì bay đi Cairns, Australia. Ngày hôm sau, cùng với Nhật Bản, Australia và New Zealand, Hoa Kỳ đã loan báo “thông qua gói viện trợ xây dựng hệ thống truyền tải điện cho Papua New Guinea”. Giá trị gói viện trợ cũng không được thông báo, nhưng Australia nói sẽ góp hơn 18 triệu USD trong 5 năm đầu của chương trình. Hiện chỉ có 13% trong tổng số 8 triệu dân của Papua New Guinea sử dụng điện.

Cũng trong tối 17/11 trước khi APEC ra thông cáo chung, một sự kiện “xấu xí” đã nổ ra: Một nhóm bốn nhà ngoại giao Trung Quốc đã xộc vào văn phòng của Ngoại trưởng Rimbink Pato của Papua New Guinea với mục đích khuynh loát bản thông báo chung của APEC. Trung Quốc bác bỏ không có chuyện này nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước chủ nhà tuyên bố trục xuất bốn nhà ngoại giao Trung Quốc vào sáng hôm sau.

Sự kiện “đột nhập” dường như báo trước chuyện xấu. Chiều 18/11, lễ bế mạc của APEC đã không có thông cáo chung như thường lệ của khối APEC từ khi thành lập vào năm 1993. Trung Quốc không chấp nhận đưa cụm từ “cạnh tranh thương mại không công bằng” vào thông cáo chung mà 20 nước thành viên APEC khác đã đồng ý.

Đấu khẩu và tranh giành ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế khổng lồ dự kiến sẽ lan sang cuộc họp thượng đỉnh khối G20 tại Argentina vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 sắp tới khi ông Tập và ông Trump dự kiến sẽ có cuộc họp bên lề.

 

PNG4
Tấm bảng quảng cáo khổng lồ đăng hình Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Peter O’Neill ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea trong dịp APEC 2018. (Ảnh: Reuters).

Singapore và Papua New Guinea biến thành “chiến trường”

Trước đó, phát biểu với các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore ngày 15/11, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói rằng “chủ nghĩa đế quốc và thái độ gây hấn không thể tồn tại ở khu vực này”. Ông Pence cũng nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia cần đối xử với láng giềng của họ với sự tôn trọng, không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và các quy định trật tự quốc tế.

Bài phát biểu “sốc óc” của ông Pence chỉ trích sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) và các hành động gây hấn của Trung Quốc trên vùng biển Đông Nam Á và Đông Á. Ông Lý Hiến Long - Thủ tướng nước chủ nhà - đã giảm nhiệt bằng cách nói “ASEAN muốn hợp tác với cả hai quốc gia”.

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hy vọng đạt được bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông trong ba năm tới.

Trong khi ông Pence còn bận phát biểu ở diễn đàn ASEAN thì Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhanh chân đến thủ đô Port Moresby của Papua New Guine hai ngày trước khi Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chính thức khai mạc. Sáng hôm sau 16/11, ông Tập đã mời tám nhà lãnh đạo của các quần đảo Cook, Fiji, Micronesia, Niue, Samoa, Tonga, Vanuatu, và Papua New Guinea đến khách sạn ông ở để thảo luận. Sáu quần đảo Nam Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Đài Loan - cái gai trong mắt của Trung Quốc - đã không được mời… Lực lượng an ninh Trung Quốc cũng từ chối không cho tất cả các nhà báo của các đảo quốc Nam Thái Bình Dương họp và đưa tin về cuộc họp với ông Tập, dù rằng nước chủ nhà Papua New Guinea đã mời họ.

Nội dung của cuộc họp đã không được tiết lộ, nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ dùng các gói tài chính trong sáng kiến Vành đai và con đường để thắt chặt quan hệ với các quần đảo Nam Thái Dương. Papua New Guinea là con nợ lớn nhất với 590 triệu USD trong tống số nợ 1,3 tỷ USD mà các quốc đảo vay từ Trung Quốc. Phần lớn các gói nợ trong hai năm tài chính 2017-2018 là dành cho các công trình phục vụ Hội nghị APEC tại thủ đô Port Moresby.

XiinManila
Trẻ em cầm cờ Philippines và Trung Quốc chào mừng ông Tập Cận Bình ở Manila. Nhưng ở khu vực khác là cuộc biểu tình đòi Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Philippines. (Ảnh: Reuters).

Philippines - “đồng minh mới” mà Hoa Kỳ và Trung Quốc cố dỗ ngọt

Sau APEC 2018, ông Tập đã đi thăm Brunei với mục đích tìm kiếm nguồn cung dầu khí trong tương lai đề phòng Hoa Kỳ “chơi xấu”. Ông Tập cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc thăm Philippines trong 13 năm qua. Chuyến thăm trong hai ngày 20 và 21/11 của ông Tập đã mang lại hai tỷ USD cho các dự án đường bộ, đường sắt và đập chứa nước tại Philippines. Tập đoàn China Gezhouba Group cũng hứa hẹn sẽ đổ tiền xây dựng căn cứ không quân Clark thành thành phố hiện đại. Hoa Kỳ rút khỏi Clark đầu những năm 1990. Gần đây, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phàn nàn “các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội phát triển ở đây”.

Nikkei Asian Review viết ông Duterte lần này “trải thảm đỏ” cho ông Tập, bởi trước đó ba năm cựu Tổng thống Benigno Aquino đã lạnh nhạt với ông Tập tại APEC 2015 ở Manila vì những tranh chấp lãnh thổ trên vùng biển Đông Nam Á.

Washington cũng tìm cách làm nồng ấm mối quan hệ đồng minh nguội lạnh với Philippines trong thời gian qua. Tuần trước, Hoa Kỳ đã trả lại cho Philippines ba chiếc chuông Balangiga. Trong cuộc chiến tranh Mỹ - Phi năm 1901, quân đội Hoa Kỳ đã đem ba chiếc chuông từ làng Samar ở miền Trung Philippines về nước. Sau khi Hoa Kỳ trả chuông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr nói nước này đang xem xét chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng thống Duterte.

Hồ Nguyên Thảo

_NTD_So172_In _Page_27
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.