Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 06/05/2017, 21:28 PM

Chạy đua vũ trang: Tiền “chui” vào túi ai?

(NTD) - Mỹ bắn tên lửa Tomahawk vào Syria, ngay lập tức Syria cầu khẩn mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga. Khi Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa xuyên lục địa, Hàn Quốc “mời” Mỹ trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Tên lửa, tàu ngầm Iran và Triều Tiên có một số mẫu mã na ná nhau... “Người tiêu dùng” sẽ là những nước yếu hơn, “cầu xin được mua” để phòng thủ chính đáng. Cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới ngày càng làm phình to túi tiền của những trùm tài phiệt sản xuất vũ khí.

Triều Tiên phát triển vũ khí xuyên thủng Hệ thống THAAD

Việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc đã thôi thúc Triều Tiên chế tạo những tên lửa đạn đạo có thể vô hiệu hóa các năng lực của THAAD. Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ, Triều Tiên đã chế tạo ra các tên lửa đạn đạo có thể xuyên vào những góc mà THAAD không thể đánh chặn. Một khi những tên lửa đạn đạo này quay trở lại bầu khí quyển của trái đất, các đầu đạn hạt nhân gắn trên nó có thể bay ở những góc dốc hơn và di chuyển với trường vận tốc cao hơn, thu được nhiều lực hút của trái đất hơn.

Theo AP, bước cải tiến của Triều Tiên có thể khiến mối đe đọa tên lửa này “khó bị đánh chặn hơn bởi một hệ thống phòng thủ tên lửa”. Ngoài ra, “Triều Tiên đã thể hiện được khả năng phóng một loạt tên lửa mà hầu như không có thời gian trễ”. Đây cũng là một mối đe dọa mà THAAD không thể đánh chặn. Báo cáo khuyến cáo: “Điều này phù hợp với mục tiêu khả thi (của Triều Tiên) là có thể tiến hành các vụ tấn công tên lửa đạn đạo lớn với quy mô lớn”.

Trong vòng hai năm qua, Triều Tiên cũng đã tiến hành thử nghiệm một số tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm, có thể rơi bên ngoài tầm radar của hệ thống THAAD. Giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho rằng vụ thử tên lửa thất bại vừa qua, thực ra là hành động nhằm “phát triển một vũ khí hạt nhân khác hoàn toàn với những vũ khí đang có” của Triều Tiên. Theo ước tính của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Triều Tiên đang có từ một đến hai vũ khí hạt nhân nhưng nhà vật lý hạt nhân David Albright cho rằng con số hiện nay phải lên tới khoảng 30 và sẽ đạt tới 60 vào cuối thập kỷ 2010.

Và đương nhiên, mối nguy hạt nhân vẫn đang tiềm ẩn.

TTienTHAAD1a
Chủ tịch Kim Jong-un thị sát một vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm ở gần Sinpo, vùng bờ biển phía đông bắc Triều Tiên ngày 9/5/2015 (Ảnh: Getty)

Triều Tiên và Iran chia sẻ kinh nghiệm về chương trình tên lửa

Theo tình báo của Lầu Năm Góc, mùa Hè năm 2016, Iran đã tiến hành một vụ phóng tên lửa Nasir tương tự như tên lửa Musudan của Triều Tiên và tên lửa Taepodong của Triều Tiên dường như giống hệt với tên lửa Shahab của Iran. Theo Fox News, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết đã có thêm bằng chứng về ảnh hưởng của Triều Tiên đối với Iran, khi có các báo cáo tình báo nói rằng một tàu ngầm mini sử dụng để phóng tên lửa của Iran ngày 2/5 vừa qua giống với thiết kế tàu ngầm mini của Bình Nhưỡng, con tàu mà Triều Tiên bị cáo buộc sử dụng đánh chìm một tàu chiến Hàn Quốc vào năm 2010.

Theo tình báo Mỹ, Iran đã cố gắng phóng một tên lửa hành trình Jask-2 dưới nước lần đầu tiên, nhưng vụ phóng đã thất bại. Các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân từ lâu đã hoài nghi rằng Triều Tiên và Iran có chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình tên lửa. Jeffrey Lewis, một chuyên gia về phổ biến tên lửa tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Moterey, nói: “Những tên lửa đầu tiên mà chúng ta thấy ở Iran đơn giản là những bản sao các tên lửa của Triều Tiên…”.

Khi Iran thử nghiệm một tên lửa đạn đạo hồi cuối tháng 1, Lầu Năm Góc cho biết tên lửa này dựa trên một thiết kế của Triều Tiên. Mùa Hè năm ngoái, Iran đã tiến hành một vụ phóng tên lửa Masir tương tự như tên lửa Musudan của Triều Tiên, tên lửa tiên tiến nhất mà Bình Nhưỡng đã thử thành công cho đến nay. Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng tên lửa Taepodong của Triều Tiên dường như giống hệt với tên lửa Shahab của Iran.

Vụ thử tên lửa hành trình từ tàu ngầm mini ở eo biển Hormuz của Iran được cho là một trong những lần đầu tiên Iran cố gắng tiến hành. Trước đó, năm 2015, Triều Tiên lần đầu tiên phóng thành công một tên lửa từ tàu ngầm. Lúc ấy, người ta cho rằng không còn xa nữa sẽ đến lượt Iran. Theo các nhà phân tích, đó là những thương vụ mang lại hàng tỷ USD cho Bình Nhưỡng.

Theo CIA, vào tháng 7/2016, hai hôm trước ngày kỷ niệm thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới, Iran đã phóng một tên lửa đạn đạo sử dụng công nghệ của Triều Tiên. Trước đó, khi Iran thử tên lửa đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà Trắng cảnh báo Iran đã được đưa vào “tầm ngắm”.

TTienTHAAD1b
Tên lửa Nasir của Iran na ná tên lửa Musudan của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Mỹ duyệt lại chương trình phòng thủ tên lửa quốc gia

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 6/5 chỉ thị tiến hành xem xét lại chương trình phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD). Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White đã xác nhận thông tin này. Bà White nêu rõ chỉ thị yêu cầu tìm các biện pháp củng cố tiềm năng trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, cân bằng lại các ưu tiên trên trường quốc tế và trong nước cũng như đảm bảo các khuôn khổ chiến lược và chính trị để tiếp tục phát triển lĩnh vực này.

Bà White nhấn mạnh bảo vệ đất nước và lợi ích của Mỹ ở nước ngoài trước các tên lửa đạn đạo là một trong những ưu tiên cao nhất của bộ này. Theo đại diện Lầu Năm Góc, việc xem xét lại chương trình phòng thủ tên lửa sẽ diễn ra đồng thời với việc xem xét lại học thuyết hạt nhân của Mỹ, đã được công bố hồi giữa tháng 4.

TTienTHAAD1c
Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (Ảnh: AP)

Nhật sẽ mua tên lửa hành trình Tomahawk

Chính phủ Nhật đang quyết định mua loại tên lửa Tomahawk của Mỹ để ứng phó những đợt thử hạt nhân, phóng tên lửa từ Triều Tiên. Một quan chức Nhật đã tiết lộ với Kyodo News trong ngày 6/5. Ông nói rõ Tokyo muốn dành một khoản ngân sách cho việc nghiên cứu khả năng mua tên lửa hành trình để tấn công các vị trí tên lửa của đối phương và có thể đề xuất phần ngân sách này trong dự thảo ngân sách cho tài khóa 2018 (bắt đầu từ tháng 4/2018 – 3/2019).

Được biết, một quả tên lửa Tomahawk có giá khoảng 1,59 triệu USD, dài từ 5,6 - 6,25 m, mang đầu đạn nặng khoảng 450 kg, bay với tốc độ trung bình 880 km/giờ và có tầm bắn tối đa 2.500 km. Loại tên lửa này, vào sáng 7/4, các khu trục hạm Mỹ ở Địa Trung Hải đã bắn 58 quả vào một căn cứ không quân của Syria. Gần nửa tháng sau, chính phủ Syria đã đề nghị Nga bán cho mình Hệ thống tên lửa phòng thủ S-400.

TTienTHAAD1d
Chính phủ Nhật đang xem xét mua tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ vừa bắn vào Syria (Ảnh: Reuters)

Với tầm bắn như trên, Tomahawk được trang bị trên tàu ngầm hiện đại của Mỹ có thể tấn công bất kỳ khu vực nào của Triều Tiên từ vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Loại hỏa tiễn này có thể bay ở tầm cực kỳ thấp nên có thể tránh được radar. Mua Tomahawk, Nhật còn tiết lộ rằng đang xem xét sẽ  triển khai cho những tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.

   * * *

Sản xuất vũ khí, nhất là vũ khí hiện đại, là những món hời đối với những trùm tài phiệt thế giới. Khi vì quyền lợi quốc gia, các nước bắt đầu đẩy cuộc chạy đua vũ trang lên cao – tất yếu sẽ đẩy việc sản xuất lên cực cao. Có cầu thì phải có cung. “Người tiêu dùng” sẽ là những nước yếu hơn, “cầu xin được mua” để phòng thủ chính đáng. Không nói, nhưng ai cũng biết tiền sẽ chảy vào những trùm sản xuất.

                                                                                                    Lê Miên Tường (Theo CNN, AP, 5/2017)

          

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.