Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 16/02/2014, 15:05 PM

Bị cáo tự tử vì xấu hổ, cái chết ‘vô tiền khoáng hậu’

Mới đây, dư luận cả nước rúng động trước thông tin một bị can ở Quảng Ngãi đã tự tử vì xấu hổ khi nhận được quyết định phiên tòa sẽ xử lưu động.

Ngay sau khi sự kiện này xảy ra đã nhận được không ít ý kiến trái chiều từ các nhà làm luật. Nhiều người cho rằng, đây chỉ là một trường hợp hy hữu và vẫn nên tiếp tục các phiên tòa lưu động để mang tính răn đe.

Tuy nhiên, có những quan điểm cho rằng, nên dừng việc xét xử lưu động, bởi sẽ gây hoang mang cho bị cáo và khiến họ khó hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án.

Vụ tự tử “vô tiền khoáng hậu”

Sự việc hy hữu trên xảy ra tại huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam). Trước đó, ngày 20/12/2013, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phú Ninh xét xử lưu động vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị can Nguyễn Thanh Kỳ, thường trú tại thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Trong quá trình xảy ra vụ án thì gia đình và bản thân Nguyễn Thanh Kỳ đã tích cực khắc phục hậu quả cho bị hại, thành khẩn khai báo… nên bị can Kỳ được tại ngoại để chờ ngày xét xử.

Cho đến chiều 19/12, trước một ngày xét xử, UBND xã Tam Đại đã thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về việc xét xử lưu động để bà con nhân dân đến xem. Do xấu hổ trước việc bị xét xử lưu động, rồi áp lực từ gia đình, bị can Nguyễn Thanh Kỳ đã uống thuốc độc tự tử trước sự bàng hoàng và đau xót của gia đình. Kỳ ra đi khi mới bước sang tuổi 25.

Được biết, trước khi có thông tin xét xử lưu động thì bị can Nguyễn Thanh Kỳ vẫn làm việc bình thường. Người nhà của bị cáo cho rằng, giá như vụ án này được xét xử tại tòa thì có lẽ hậu quả đau lòng trên không thể xảy ra hoặc có biện pháp bảo vệ bị can trước khi đưa ra xét xử, bởi lẽ tâm lý con người thường cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi bị đưa thông tin không tốt đẹp cho mọi người biết và họ sẽ có những phản ứng tiêu cực.

Sự việc này đã khiến không ít người dân lo lắng về việc sẽ còn tiếp tục xảy ra các vụ tự tử tương tự khi ngành tòa án vẫn quyết định tổ chức những phiên tòa lưu động.

Trao đổi với PV về vấn đề này, một chuyên gia từng công tác tại TANDTC (xin được giấu tên) cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì không có điều khoản nào quy định về việc tòa án xét xử lưu động.

Tuy nhiên, trên thực tế, các tòa án thường tổ chức xét xử lưu động để thông qua đó tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe bị cáo cũng như những người tham dự phiên tòa. Việc mở các phiên tòa lưu động ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người.

Tuy nhiên, đối với bị cáo thì hầu như không ai mong muốn bị đưa đi xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc. Cuộc sống của người dân có tính cộng đồng rất cao.

Việc bị cáo bị đưa đi xét xử lưu động, ngoài phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì họ còn phải chịu một sức ép nặng nề trước bà con họ hàng, bạn bè lối xóm và chịu thêm một hình phạt từ phía cộng đồng xã hội – đó là sự lên án, xa lánh.

Không chỉ một mình bị cáo mà ngay cả cha mẹ, vợ con, anh em của họ cũng bị vạ lây bởi hình phạt từ phía cộng đồng dân cư. Chính vì thế, việc có nên xử các phiên tòa lưu động hay không cần phải xem xét thật kỹ, tránh các trường hợp đau lòng tiếp tục xảy ra.

Chỉ là sự việc hy hữu

Trao đổi với PV, luật gia Huỳnh Chiêu, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu, nguyên Giám đốc sở Tư pháp Vĩnh Long cho rằng: “Trường hợp tự tử trước ngày xét xử lưu động là một trường hợp cá biệt. Trước đây tôi chưa từng thấy xuất hiện vụ nào như thế. Lâu nay, mô hình xử lưu động có tính răn đe xã hội rất tốt. Bản chất xử lưu động có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội. Nếu không xử lưu động thì không có hiệu quả răn đe”.

“Tòa án các cấp cần phải nghiên cứu kỹ vụ án nào nên đưa ra xét xử lưu động, vụ án nào không nên. Ngoài tùy theo vụ việc, còn phải xem xét đến tâm lý các bị can, bị cáo để đảm bảo không dẫn đến hiệu ứng ngược.

Pháp luật luôn hướng đến cái thiện, cải tạo tốt cho con người. Chính vì vậy, trong quá trình xem xét các vụ án cụ thể, chúng ta nên tiếp tục duy trì hình thức này để răn đe những đối tượng tội phạm làm ảnh hưởng đến xã hội. Các tội như trộm cướp, hiếp dâm… thì nên đưa ra xét xử lưu động”, luật gia Huỳnh Chiêu nhận định.

Cùng quan điểm, luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư Hà Nội đánh giá: Đừng vì vụ án của một cá nhân ở Quảng Nam mà cho rằng vấn đề xét xử lưu động sẽ gây ra áp lực hoặc là hình phạt vô hình đối với bị cáo, khiến họ phải tự tử.

Có nhiều trường hợp xử kín nhưng tâm lý không vững vàng thì khi có ý định họ vẫn sẽ tìm đến cái chết. Cái chết có thể là tâm lý không vững vàng, không dám đối diện với hành vi phạm tội của các bị cáo chứ không phải do nguyên nhân xét xử lưu động.

Người phạm tội nếu thực sự cảm thấy ăn năn hối cải, muốn làm lại cuộc đời thì dù bị xét xử ở phiên toà lưu động cũng sẽ không có áp lực gì nhiều so với phiên toà xét xử bình thường.

Cũng theo luật sư Ứng, trong luật Tố tụng Hình sự không quy định loại án nào là xử lưu động. Tuy nhiên, qua tình hình thực tiễn, các cơ quan tố tụng đưa ra xét xử lưu động là nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, để người ta biết được sự nguy hại của hành vi phạm tội.

Việc bỏ xét xử lưu động là không nên vì đây là một hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật rất tốt. Nếu nói thời đại công nghệ thông tin phát triển, đài báo phổ biến mà không cần đến xét xử lưu động là không đúng.

Không phải vụ án nào cũng được quay lên truyền hình hay được đài báo đưa tin. Mỗi năm có hàng nghìn vụ án xét xử nên việc cập nhật, truyền tải thông tin qua báo chí là không xuể.

Nhiều người cho rằng, các toà địa phương tích cực mở các phiên xét xử lưu động là để tăng dự toán ngân sách hàng năm, kiếm tiền tư túi, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, mọi việc đều phải làm theo đơn giá Nhà nước và chi phí cho hoạt động này không nhiều nên cơ quan nào có ý định tư túi thì cũng rất khó. Lập dự toán kinh phí cho xét xử lưu động nằm trong đơn giá quy định của Nhà nước thì mới được duyệt. Cho dù việc xét xử lưu động có tốn kém nhưng nếu nó mang lại hiệu quả thì cũng là điều chúng ta nên làm.

(Theo Đời sống pháp luật)

Nguồn: vietnamnet.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.