Bảo hiểm tiền gửi nâng lên 75 triệu đồng: Vẫn thấp!

(NTD) - Theo dự thảo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) sẽ tăng lên 75 triệu đồng sau nhiều năm giữ ở mức 50 triệu. Nhưng theo các chuyên gia mức này vẫn còn thấp.

Nâng mức BHTG lên 75 triệu đồng

Tính đến nay, mức BHTG đã được nâng một lần từ mức 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng hồi 2005. Thời điểm đó, mức chi trả này tương đương 5 lần thu nhập bình quân đầu người/năm. Tuy nhiên, qua 12 năm, GDP bình quân đầu người đã tăng từ 640 USD/người/năm của năm 2005 lên hơn 2.000 USD/người/năm vào năm 2016, song mức BHTG vẫn chưa được điều chỉnh!

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố Dự thảo về hạn mức trả tiền bảo hiểm để lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75 triệu đồng. Đây được xem là một tín hiệu tích cực bước đầu đối với người gửi tiền trong cả nước.

Việc tăng hạn mức chi trả BHTG là nhu cầu bức thiết nhưng nó cũng làm tăng rủi ro vỡ Quỹ BHTG khi có ngân hàng phá sản thực sự. Vì vậy, việc tăng cường “sức khỏe” của Quỹ BHTG là rất cần thiết trong thời điểm này.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch cho rằng: Mức tăng BHTG lên đến 75 triệu đồng cho mọi đối tượng, mọi mức tiền gửi là quá nhỏ, khi nhiều đề xuất đưa ra từ 150-200 triệu đồng, bởi ngay cả quỹ tín dụng nhân dân tuy nhỏ nhưng nhiều tài khoản cũng đã vượt mức này.

fica-9141400067205
Nâng mức  BHTG lên 75 triệu đồng vẫn được coi là mức thấp

Theo chuyên gia ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín, thời điểm năm 2002, có đến 80% số người gửi tiền trong tài khoản là dưới 50 triệu đồng, 20% còn lại ở mức trên 50 triệu đồng thì năm 2015, tỷ trọng tiền gửi có số tiền dưới 50 triệu chỉ chiếm 19% tổng lượng tiền gửi trong năm. Như vậy, trong trường hợp phải chi trả bảo hiểm thì trên 81% tổng lượng tiền gửi không được chi trả đủ 100% cả gốc và lãi.

Một số chuyên gia trong ngành cũng cho biết, vấn đề về nâng mức BHTG cũng đã gây ra nhiều tranh luận trong thời gian qua. Và mới đây, khi BHTG được nâng cao hơn đây cũng được xem là bước chuẩn bị cho một giai đoạn mới cho việc tái cơ cấu ngân hàng theo cơ chế kinh tế thị trường.

BHTG chưa phát huy được vai trò

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việc NHNN đề xuất tăng hạn mức bảo đảm tiền gửi từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, theo ông, mức này cũng còn thấp. Trong tương lai, khi NHNN cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản thì chức năng của Công ty BHTG Quốc gia cần được tăng cường. Nghĩa là chức năng của Công ty BHTG Quốc gia phải bao gồm chức năng trên thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ và luật pháp, mà cần tăng cường thêm giám sát và thanh tra các ngân hàng.

Thực tế, việc đề xuất tăng hạn mức BHTG là tăng rủi ro cho Công ty BHTG Quốc gia. Do đó, họ phải được giám sát các ngân hàng, định vị các ngân hàng ở vị thế nào, sức khỏe tài chính ra sao để đánh giá, đề xuất các biện pháp để ngăn ngừa phá sản. Đồng thời có thể chia các ngân hàng dưới nhiều cấp bậc rủi ro khác nhau để áp mức phí phù hợp.

Cũng đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, thông thường ở các nước, khi hệ thống tổ chức tín dụng có dấu hiệu bất ổn, mức BHTG sẽ được nâng lên để tạo an tâm cho người dân. Còn ở Việt Nam, việc nâng mức BHTG hay không cũng thật sự không quan trọng, vì BHTG chỉ có ý nghĩa khi NHNN chấp nhận cho ngân hàng thương mại phá sản.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ mạnh tay hơn trong việc sắp xếp các tổ chức tín dụng, ngân hàng nào còn có thể phục hồi được sẽ tái cơ cấu, ngân hàng không phục hồi được sẽ xử lý, cho phá sản, nhưng phải bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp nếu cho ngân hàng yếu kém phá sản, như vậy những người gửi tiền ở ngân hàng đó sẽ thế nào? Khách hàng ở ngân hàng này sẽ chịu thiệt hại? Chính vì vậy, nếu cho ngân hàng phá sản phải kèm theo điều kiện nâng BHTG và mức tăng phải cao hơn Dự thảo đề ra, có như vậy mới bảo đảm quyền lợi cho người dân khi ngân hàng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản. Nếu mạnh dạn thực hiện, ngân hàng nào phải phá sản cho phá sản và trả BHTG sẽ loại bỏ được tình trạng chạy đua lãi suất…

 Mai Trinh

 

Bình luận

Nổi bật

Căn hộ cho thuê: Giờ là thời điểm “vàng” để đầu tư?

Căn hộ cho thuê: Giờ là thời điểm “vàng” để đầu tư?

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 13:49

Theo nhiều ý kiến đánh giá, căn hộ cho thuê vẫn sẽ là loại hình đầu tư hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới bởi khả năng sinh dòng tiền tốt nhất trong các loại hình bất động sản.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và CNCTech ký kết hợp đồng lên tới 12 nghìn tỷ đồng

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và CNCTech ký kết hợp đồng lên tới 12 nghìn tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 13:49

Mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Tập đoàn CNCTech đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược.

Chung cư tăng giá - Nhà tập thể cũ đang được săn mua trở lại?

Chung cư tăng giá - Nhà tập thể cũ đang được săn mua trở lại?

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 13:49

Thời gian gần đây căn hộ tập thể cũ được đẩy giá rao bán khá cao. Tuy nhiên, dù mức giá rao bán được đẩy lên khá cao, hiện vẫn chưa có các dữ liệu về lượng giao dịch thực tế tại các khu vực này.