Dữ liệu cũ
Thứ hai, 13/01/2014, 10:25 AM

Ariel Sharon để lại gì cho tiến trình hòa bình Trung Đông?

Hiếm có nhân vật nào trong lịch sử có thể khiến những người định cư Israel và Palestine cùng ghét như cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Khoảnh khắc hiếm trong cuộc đời và sự nghiệp của Ariel Sharon
Ariel Sharon: Người gây tranh cãi nhất Trung Đông
Cựu thủ tướng Israel Sharon qua đời ở tuổi 85

“Chúa ban cho ông ta cái mà ông ta đáng phải nhận. Một người Do Thái không
nên đẩy người Do Thái ra khỏi đất của mình” – một nhân vật cựu hữu người Israel
ám chỉ quyết định rút quân ra khỏi Dải Gaza của ông Sharon vào năm 2005 khi bình
luận về việc Thủ tướng Israel khi đó rơi vào tình trạng hôn mê.

Còn với nhiều người Ả Rập, ‘Sharon’ gắn liền với từ ‘thảm sát’ – đặc biệt là
các vụ thảm sát tại Sabra và Shatila vào năm 1982, các sự kiện diễn ra sau khi
ông Sharon cho phép dân quân người Li Băng thâm nhập vào trại tị nạn người
Palestine tại Beirut và giết hại hàng trăm dân thường Palestine.

Với những người định cư Do Thái bị buộc rút ra khỏi Gaza – đặc biệt là các
doanh nhân, Sharon là một kẻ phản bội; với nhiều người Ả Rập, Sharon là ‘đồ tể’.
Nhận định về Ariel Sharon cũng rất trái ngược giữa những lãnh đạo tại Washington
– đồng minh then chốt của Israel. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng gọi
Sharon là ‘người đàn ông của hòa bình’. Còn một cựu Tổng thống khác của Mỹ là
Ronald Reagan lại viết trong nhật ký năm 1982 rằng Sharon là ‘một người chẳng ra
gì, dường như chỉ tìm kiếm chiến tranh’.

Nhưng trước khi rơi vào hôn mê suốt 8 năm trước, Ariel Sharon thực sự là một
nhân vật đóng vai trò then chốt đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Hiện
trạng của Israel và Palestine lúc này mang vết tích của Ariel Sharon hơn bất kỳ
nhân vật nào khác đương thời trong khu vực.

Dấu ấn lớn nhất mà Sharon để lại chính là quyết định rút khỏi Dải Gaza vào
năm 2005. Tuy nhiên, quyết định này cũng nhận được ý kiến cơ bản trái chiều từ
hai luồng dư luận. Một thì cho rằng hành động này của ông đã đóng góp tích cực
cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Bên hoài nghi thì lại cho rằng quyết định
này đã bị hiểu sai thành một hành động ‘thiện chí’ có được trong sự thay đổi về
mặt tư tưởng của Sharon, và rằng di sản của ông chỉ khiến hủy hoại chứ không
phải là thúc đẩy hòa bình.

Theo luồng ý kiến thứ nhất, Ariel Sharon không phải là người mang quan điểm
cựu hữu, dù cũng là một nhân vật cứng rắn và tham gia thành lập Đảng Likud.

Năm 2001, Sharon đánh bại  Thủ tướng Ehud Barak trong cuộc bầu cử, và chỉ
trích quan điểm của ông Barak nhằm ủng hộ cho vị thế nhà nước của Palestine.
Nhưng khi nhậm chức Thủ tướng, ông nhận ra rằng tình trạng hiện tại của hai bên
khi đó không ổn, đặc biệt là ở khía cạnh nhân khẩu học, ngoại giao, và an ninh.
Từ đó, ông theo đuổi giải pháp hai nhà nước và ‘lộ trình’ hòa bình của cộng đồng
quốc tế vào năm 2003.

Tuy vậy, ông vẫn không đặt niềm tin vào việc có thể đi tới thỏa thuận lâu dài
với người Palestine về vấn đề này. Kế hoạch của ông Sharon rốt cuộc vẫn bao gồm
việc làm lung lạc Chính quyền Palestine, chứ không làm việc với họ. Và dần ông
tin rằng chỉ có chính sách ‘cách ly’ khỏi người Palestine thì mới đảm bảo cho
Israel.

Quá trình này bao gồm hai giai đoạn. Bước đi thứ nhất là xây dựng nên một
hàng rào dày đặc tại Bờ Tây ngăn các khu định cư lớn nhất của người Do Thái và
người dân Palestine. Điều này đã khiến rất nhiều người cực hữu tại Israel nổi
giận, họ phản đối việc ‘từ bỏ’ người Do Thái ở Bờ Tây. Nhưng ý tưởng này lại
nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đa số. Trong cuộc thăm dò dư luận tháng 10/2003,
hơn 80% người Israel nói rằng họ tin việc xây dựng các hàng rào và tường dày có
thể giảm hoặc ngăn các vụ đánh bom ở các quán cà phê và xe buýt ở Israel.

Năm 2004, Sharon tuyên bố rằng ông đang tiến hành bước đi thứ hai xa hơn nữa,
đó là rút lui khỏi Gaza. Ông thấy rằng Israel cần rút khỏi Gaza, nhưng mặt khác,
ông lại coi vị lãnh đạo của Palestine khi đó là Chủ tịch Yasser Arafat không
phải là đối tác cho hòa bình.

Thay vào đó, Israel có thể đơn phương rút lực lượng khỏi vùng lãnh thổ và
buộc 8.000 người định cư Do Thái rời khỏi vùng đất đang sống chung với hơn 1,3
triệu người Palestine. Kế hoạch này vấp phải chỉ trích nặng nề từ những người
cánh hữu và buộc ông Sharon phải tuyệt giao với đảng Likud, và thành lập đảng
riêng là Kadima.

Tháng 8/2005, kế hoạch rút lui khỏi Gaza thực thi cùng với việc giải tán bốn
khu định cư tại Bờ Tây, nhưng rồi đó chỉ là bước khởi đầu. Sharon đã bắt đầu lên
kế hoạch cho bầu cử vào tháng 3/2006, nhưng rồi bị đột quỵ nhẹ. Tới ngày
4/1/2006, cơn đột quỵ thứ hai xảy đến và ông không còn tỉnh táo trở lại.

Cho dù có phải là nhờ chính sách của Sharon hay không, thì thực tế là con số
dân thường  Israel thiệt mạng vì bị tấn công từ phía Palestine cũng giảm đáng
kể. Thương vong từ phía Israel xảy ra chủ yếu là do đạn pháo từ dải Gaza, chứ
không phải từ các vụ đánh bom liều chết.

Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai cho rằng việc rút người định cư Do Thái khỏi
Gaza chỉ đơn giản là tính toán của Sharon. Cái giá của việc bảo vệ số nhỏ người
định cư Do Thái trong phần đông người Palestine ở một vùng lãnh thổ rất nhỏ này
lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích họ có được khi sinh sống ở đây.

Theo đó, việc rút lui này cũng không đóng góp gì cho tiến trình hòa bình.
Thay vào đó, nó lại khiến tình trạng đóng băng thê thảm hơn mà theo một trong
những thân tín của ông Sharon khi đó là Dov Weisglass, đây chính xác là một kế
hoạch sắp sẵn.

Tờ Aljazzera có dẫn lời nhân vật này, cho biết: “Điều quan trọng trong kế
hoạch rút lui chính là làm đóng băng tiến trình hòa bình. Nó mang lại chất
phooc-môn cần thiết nên sẽ chẳng có tiến triển nào về mặt chính trị với người
Palestine”.

“Khi anh làm đóng băng tiến trình, anh ngăn được quá trình thiết lập một nhà
nước Palestine. Toàn bộ ‘nhà nước Palestine’ cùng với mọi di sản của nó đã ngay
lập tức bị gạt khỏi chương trình nghị sự của chúng tôi” – Dov Weisglass nói
thêm.

Tám năm sau đó, tức là vào lúc này, cuộc xung đột Israel – Palestine vẫn rơi
vào thế bế tắc. Hàng rào ngăn cách mà ông Sharon đề xuất vẫn còn đó, làm cho đời
sống của người dân Palestine gặp phải nhiều khó khăn và rắc rối, đôi khi lại
ngăn cách họ khỏi chính vùng đất của mình. Sharon chưa bao giờ nói rằng các hàng
rào này sẽ tồn tại vĩnh viễn, nhưng rõ ràng, không ai biết khi nào thì những bức
tường này mới biến mất.

Bên cạnh đó, vì hành động rút quân đơn phương nên Sharon đã làm xói mòn Chính
quyền Palestine và cùng lúc, tạo cơ hội cho lực lượng Hamas ở Gaza trỗi dậy.
Người kế nhiệm của ông Sharon là Ehud Olmert được cho là tiến gần tới một thỏa
thuận với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào năm 2008, nhưng các cuộc đàm
phán thất bại khi xung đột nổ ra giữa Israel và lực lượng cực đoan Palestine là
Hamas ở Gaza.

Sự phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo Palestine đã khiến phía Israel hoài nghi
rằng Tổng thống Abbas có thể thực thi thỏa thuận hòa bình, trong khi đạn pháo từ
Gaza đã khiến nhiều người Israel hoài nghi về sự sáng suốt khi rút khỏi Gaza.

Cũng theo cách nhìn này, bản chất của việc rút lui năm 2005 chính là việc hợp
tác về mặt an ninh với Chính quyền Palestine (PA) không bao giờ xảy ra. Lực
lượng Fatah do PA thành lập nên chật vật tìm cách lấp chỗ trống quyền lực mà
Israel để lại tại những nơi mà lực lượng Hamas chiếm ưu thế. Những sự kiện diễn
ra sau đó, bao gồm sự trỗi dậy về mặt chính trị của Hamas và việc nắm quyền của
lực lượng này tại Gaza, việc lật đổ Fatah cũng đồng nghĩa với việc Bờ Tây và
Gaza – hai vùng đất đáng ra phải thuộc về cùng một nhà nước Palestine – lại bị
ngăn cách hơn bao giờ hết. Và do đó, Israel sẽ tiếp tục coi đây là cái cớ để
không bao giờ hòa hoãn.

Cho đến lúc này, Thủ tướng đương nhiệm Israel là Benjamin Netanyahu dường như
vẫn phải giữ hiện trạng mà chính sách của Sharon để lại, dù ông đã từng rất phản
đối điều này. Không một đột phá ngoại giao nào hay nhượng bộ đáng kể nào của
Israel xảy đến kể từ khi Sharon rơi vào hôn mê, và viễn cảnh cho các vòng đàm
phán hòa bình mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang dẫn dắt lúc này vẫn khuất dạng.

Lê Thu (theo AP/Reuters/ Aljazzera/The Atlantic)

Nguồn: vietnamnet.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.