Sầu riêng - “ngôi sao” mới nổi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,5 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 2,7 tỷ USD, cà phê 2,4 tỷ USD, gạo 2,3 tỷ USD, hạt điều 1,6 tỷ USD, tôm 1,5 tỷ USD, cao su 1 tỷ USD… Đáng chú ý, rau quả là ngành hàng đem lại nhiều bất ngờ nhất khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số cao kỷ lục của ngành hàng này.
Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam bắt đầu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013 và liên tục nhiều năm gần đây vượt mức 3 tỷ USD mỗi năm. Với kim ngạch của 6 tháng đầu năm nay, nước ta hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới cho ngành hàng này. Đáng chú ý, "ngôi sao” mới là sầu riêng có nhiều cơ hội trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. |
5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 63,5% thị phần, đạt giá trị 1,29 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong top 10 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Theo phân tích của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (IPSARD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2023, cơ cấu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc tập trung vào nhóm trái cây. Trong đó, 5 loại trái cây chiếm giá trị cao nhất (84%), gồm: sầu riêng (37%), thanh long (19%), chuối (12%), mít (9%), xoài (7%); còn lại là các loại quả như: dưa hấu, dừa, ớt, chanh leo,… Chỉ tính riêng trong tháng 5, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc mang về giá trị đến 319,8 triệu USD, tăng hơn 1.082% lần so với tháng 4 và tăng trên 57.061% so với cùng kỳ năm trước (tức tăng hơn 10 lần và hơn 57 lần); xuất khẩu thanh long đạt 46,5 triệu USD, tăng 82,5%. Điều này cũng cho thấy tính chất mùa vụ của rau quả nên giá trị xuất khẩu biến động lớn trong các tháng.
Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt, chỉ Mỹ giảm 12% so với cùng kỳ.
Cũng theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cập nhật đến tháng 5/2023, sầu riêng đã chính thức vượt thanh long, trở thành loại trái cây dẫn đầu về doanh thu xuất khẩu (tính chung tất cả các thị trường) với tỷ lệ 26%, tiếp theo là thanh long 15%, chuối 9%.
Đánh giá về tiềm năng của ngành rau quả Việt Nam, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về sản xuất cây ăn trái với tổng diện tích trên 1,2 triệu hecta. Diện tích trồng mới hàng năm tăng liên tục, trung bình hơn 62.000 hecta/năm ở khu vực miền Nam, tập trung vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài, bưởi… Đây là điều kiện để nước ta đứng thứ 9 về xuất khẩu rau quả trên thị trường thế giới.
Tập trung nâng cao chế biến sâu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, năm nay là năm mà kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng sầu riêng có mức tăng trưởng đột biến và có thể lập kỷ lục từ trước tới nay. Nhờ đó, nếu ngành rau quả giữ vững đà xuất khẩu cho đến cuối năm thì kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt kỉ lục 5 tỷ USD.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, rau quả Việt xuất khẩu tăng cao nhờ các Nghị định thư đã ký với Trung Quốc trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Cùng với đó, việc Trung Quốc tăng thu mua và liên tiếp phê duyệt mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng cho Việt Nam cũng góp phần tạo nên kỉ lục của ngành rau quả. Được biết, hiện Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức, Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết, nếu so về vị trí địa lý thì Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Thái Lan hay Malaysia trong việc xuất khẩu sầu riêng. Chẳng hạn để đến được các chợ của Trung Quốc, Thái Lan mất thời gian vận chuyển từ 8 - 10 ngày, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 1,5 ngày. Vận chuyển ít ngày nên các khoản chi phí đều kéo giảm, giúp cạnh tranh về giá bán ở thị trường tỷ dân. Tuy nhiên, lợi thế này không là tất cả, bởi chúng ta đang thua về giống. Hiện thị trường Trung Quốc quen ăn sầu riêng Monthong của Thái Lan hay Musang King của Malaysia, do vậy sầu riêng của ta dù rẻ nhưng tiêu thụ ít và giá cũng thấp hơn. Chúng ta chưa thực sự làm tốt công tác giống, chưa có những giống cây ăn trái chất lượng. Đó cũng là lý do khiến nhiều loại trái cây như xoài, nhãn yếu thế trước sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu khác. Ông Nguyên cho rằng, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).
Nhận định về tình hình xuất khẩu rau quả trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định nếu giữ đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay, xuất khẩu rau quả chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam trong tương lai gần hoàn toàn có thể đạt được.