Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã thông tin tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2022.
Xuất khẩu nông nghiệp vượt 40 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước đạt khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%.
Trong đó, 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ như: cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt trên 1 tỷ USD (tăng 21%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%).
Thông tin về những kết quả trên, ông Phùng Đức Tiến cho biết: Trước những biến động về chính trị, các đồng tiền trên thế giới tác động đến cả các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2022, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản 9 tháng đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021. Để đặt được kết quả này, nhờ vào những chính sách linh hoạt của Chính phủ, sự chỉ đạo sát của Bộ và các cơ quan.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật ông Hoàng Trung cho biết: Ngành nông nghiệp đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Xuất khẩu ngành nông nghiệp sang Hoa Kỳ đứng đầu với hơn 10 tỷ USD
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp cũng có đóng góp lớn, Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp: Lĩnh vực lâm nghiệp cũng bị tác động trong bối cảnh nhiều khó khăn do tình hình địa chính trị, khiến thị phần thị trường sẽ thu hẹp, tồn kho xuất hiện, đơn hàng giảm rất sâu.
Để đạt được mục tiêu về đích xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 50 tỷ USD; tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8-3%, để đạt được mục tiêu đề ra, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tận dụng nguyên liệu tại chỗ, sản xuất đi theo hướng kinh tế tuần hoàn, đồng thời, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường.
Để đặt được các mục tiêu đã đề ra, ngành cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi.
Đặc biệt, đối với phát triển thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản, rât cần sự tham gia của các bộ như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường. Đề ra phương hướng phát triển, tiếp cận thị trường quốc tề, tăng lượng người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm, hàng hoá của Việt Nam. Xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường hợp tác quốc tế.