Thương mại điện tử ngày càng phát triển và đang dần trở thành kênh kinh doanh, mua bán hàng hóa được nhiều người ưu chuộng bởi những tiện ích về không gian, thời gian, chi phí mà nó mang lại, đặc biệt là trước tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử thì nhiều tổ chức, cá nhân cũng lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động thương mại điện tử, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thì Chính phủ đã ban hành
định xử phạt vi phạm hành chính về thương mại điện tử tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2020.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với 05 nhóm hành vi vi phạm hành chính về thương mại điện tử gồm: (1) Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động); (2) Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; (3) Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; (4) Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử; (5) Hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.
Đối với nhóm hành vi về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động thì cá nhân vi phạm bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Các hành vi vi phạm thuộc nhóm này như: Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng; giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng; không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử; tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký…
Ngoài bị áp dụng hình thức phạt tiền, tùy vào hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…