Xây dựng mô hình bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú

(CL&CS) - Mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú sẽ được triển khai tại bản Kéo, thành phố Điện Biên Phủ vào cuối năm nay.

Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định số 2506 về việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên.

Theo đó, chương trình sẽ được triển khai trong quý IV năm 2024. Các hoạt động chính bắt đầu từ việc khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo (xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn và hạn chế, từ đó làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung triển khai mô hình.

Trang phục của phụ nữ Khơ Mú với khăn piêu, áo cóm và váy đen. Ảnh: TL

Tiếp đó là các hoạt động tổ chức lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành phương pháp nhuộm chàm, kỹ thuật may, thêu, trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú.

Những hoạt động này được ghi hình, chụp ảnh, dựng phim tư liệu phục vụ tuyên truyền, quảng bá về công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú tại thành phố Điện Biên Phủ.

Thành phần tham gia gồm 1 nghệ nhân ưu tú, 4 nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng và 70 học viên dân tộc Khơ Mú xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ.

Các học viên tham gia lớp học được hỗ trợ nguyên liệu, vật tư phục vụ thực hành kỹ thuật may, thêu, trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống.

Quá trình triển khai thực hiện phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, đảm bảo gắn kết các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

Bộ VHTT&DL cho biết, việc xây dựng và nhân rộng mô hình này nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc Khơ Mú tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn trang phục cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của mình.

Chương trình này cũng phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Khơ Mú trong việc phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.

Trang phục của người Khơ Mú khá giống trang phục của người Thái. Phụ nữ Khơ Mú thường mặc áo ngắn, bên trong có yếm, lưng thắt vải, váy dài, chân mang xà cạp, đầu đội khăn... Khăn đội đầu (hưm pông) thường ngày gần giống như chiếc khăn piêu của người Thái, điểm khác là đầu khăn có khâu những đường viền xanh đỏ. Khăn được may bằng vải mộc hoặc nhuộm chàm, dài khoảng 2m, rộng 38 - 40cm tùy theo khổ vải dệt. Khăn quấn đi lễ hội là loại khăn có thêu hoa văn một mặt; phụ nữ Khơ Mú khéo léo quấn vòng quanh đầu để phô phần hoa văn ra ngoài.

Trang phục phụ nữ Khơ Mú khá cầu kỳ nhưng trang phục của nam người Khơ Mú lại rất đơn giản, gồm có áo, quần được may bằng vải bông nhuộm chàm. Vào dịp lễ, tết, cưới hỏi, đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen và đội mũ nồi đối với người già, áo ngắn có khuy bằng vải đen đối với người trẻ tuổi.

TIN LIÊN QUAN