Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cùng các thông tư, dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra những thay đổi trong cấu trúc sở hữu và hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tập đoàn tài chính quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, bất động sản… có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, các quy định quản lý hoạt động của những tập đoàn tài chính lại chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Do đó, việc tổ chức hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, giới đầu tư cùng trao đổi, chia sẻ ý kiến, giải pháp về các vấn đề liên quan đến sở hữu ngân hàng và quản lý các tập đoàn tài chính.
Toàn cảnh hội thảo
Qua đó, sẽ đóng góp cho quá trình xây dựng chính sách, kiến thiết quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới, nhằm mục tiêu xây dựng, quản lý các tập đoàn tài chính phát triển thịnh vượng và bền vững.
Trong phiên thảo luận, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra ý kiến, đánh giá, bình luận chung quanh các giải pháp xử lý vấn đề vượt trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế hữu ích đối với Việt Nam trong quản lý các tập đoàn tài chính.
Tham gia điều phối, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes cho biết, vừa qua, thực hiện quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng, phần lớn các ngân hàng đã công bố tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân, tổ chức và người có liên quan.
Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes điều phối phiên thảo luận.
Kết quả cho thấy tình trạng vượt trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng xuất hiện ở nhiều ngân hàng. "Với mức trần sở hữu còn 10% với tổ chức, 15% với cá nhân và người có liên quan như hiện nay có giải quyết được vấn đề sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng?" - ông Nguyễn Bá Kiên nêu câu hỏi.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Luật Các tổ chức tín dụng mới có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Tuy nhiên, việc thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.
TS Lê Xuân Nghĩa trả lời câu hỏi.
Đưa ra một số kiến nghị, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
Bên cạnh đó, cần có cải cách thực sự về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra để Luật Các tổ chức tín dụng mới có thể được thực thi một cách nghiêm túc. Đặc biệt, không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.