Quy hoạch bài bản
Xã Hồng Quỳnh (tên gọi cũ một xã trước sát nhập năm 2000, nay thuộc xã Hồng Dũng) nằm giữa cánh đồng, là xã ven biển của Thái Bình, khoảng cách đến bãi biển vô cực Quang Lang đang dậy sóng mạng xã hội chỉ 8km đường chim bay.
Tổng thể cụm dân cư của Hồng Quỳnh (cũ) có tất cả 13 trục đường dọc và 5 đường ngang chạy song song và cắt nhau tạo nên dạng quy hoạch ô bàn cờ. Góc hướng Tây Nam của xã hướng ra đoạn đường tránh QL37.
Vẻ đẹp của xã Hồng Quỳnh còn được tạo nên nhờ những ngôi nhà khang trang trong vùng. Các gia đình đều có mái ngói đỏ tươi, sân, vườn, ao nước và cây xanh. Đường làng cũng được bao phủ bởi những hàng cây xanh thẳng tắp rợp bóng mát cho vùng quê yên bình.
Đặc biệt, góc phía Đông Nam hướng về cánh đồng bát ngát của xã Thụy Hồng. Vì nằm giữa cánh đồng rộng lớn, tất cả các cạnh của khu dân cư đều tiếp giáp với ruộng lúa. Đồng ruộng nơi đây cũng được chia lô, tạo nên những đường song song chạy xa tít tắp.
Xuyên suốt khu dân cư ở vị trí trung tâm là QL37, con đường duy nhất trải nhựa, còn lại đều rải bê tông.
Đây là khu dân cư mới thành lập chưa lâu, các ngôi nhà còn mới, chưa có dấu vết thời gian.
Vùng nuôi rươi nổi tiếng tại Thái Bình
Không chỉ được biết đến bởi vẽ đẹp như tranh vẽ nhờ quy hoạch khoa học giữa vùng nông thôn yên bình, Hồng Quỳnh từ lâu đã được nhiều người biết đến là một trong những xã nuôi rươi nổi tiếng tại tỉnh Thái Bình.
Với vị trí nằm gần cửa sông Hóa đổ ra biển có nguồn nước lợ, điều kiện tự nhiên tại xã Hồng Quỳnh thích hợp cho loài rươi sinh sống, phát triển. Là xã thuần nông nên rươi được xác định là con đặc sản cho thu nhập cao.
Cũng bởi lý do này, nhiều năm nay trên địa bàn xã Hồng Quỳnh, những cánh đồng lúa không còn chỉ sản xuất lương thực mà còn là nơi để bà con hốt thứ 'lộc nước'. Việc kết hợp mô hình vừa trồng lúa, vừa nuôi rươi đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Trung bình, mỗi kg rươi có giá bán thị trường dao động từ 400.000 - 600.000 đồng. Theo tính toán, mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại Hồng Quỳnh cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 1,7 lần so với sản xuất truyền thống. Do chỉ gieo cấy 1 vụ/năm, sản xuất “thuần” hữu cơ nên sản phẩm gạo sạch từ vùng nuôi rươi được người tiêu dùng đánh giá cao, cung không đủ cầu.
Mô hình nuôi rươi đã và đang cho thấy những thay đổi sâu rộng trong đời sống của người dân nơi đây. Nguồn thu nhập ổn định từ thứ lộc trời cho đã khiến vùng quê này ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn nữa trong tương lai gần.