Một trong những cây cổ thụ đắt đỏ nhất Việt Nam chính là hai cây táu cổ thụ ở tỉnh Phú Thọ. Theo nhiều sử sách, cây táu này còn được gọi là đại mộc thân, gắn liền với sự tích thiêng liêng của đền Thiên Cổ (thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ).
Theo Dân trí, tương truyền ngôi đền này là nơi những cây táu tọa lạc. Hai cây đại mộc thần có từ thời An Dương Vương. Chính vì thế người dân vẫn gọi là cụ cây. Trải qua hơn 2.000 năm tuổi với nhiều biến động của lịch sử, hai cây vẫn trường tồn, trở thành "chứng nhân lịch sử", chứa đựng những giá trị văn hóa, tâm linh đối với đời sống người dân nơi đây.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam, Ngọc phả của thôn Hương Lan để lại có chi tiết ngôi đền cổ là nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và thục nương Nguyễn Thị Thục. Vợ chồng thầy giáo là người dạy dỗ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con vua Hùng Vương đời thứ 18). Tiếc thay, vợ chồng thầy mất sớm để lại 3 người con trai chưa kịp trưởng thành.
Sau này, 3 người con trai của thầy Vũ Thê Lang đều trở thành đô sĩ cận vệ của vua Hùng. Khi vua mất, 3 ông đã tìm về thôn Hương Lan trẫm mình xuống hồ tự vẫn để tỏ lòng trung nghĩa. Vua An Dương Vương phong ba ông làm thành hoàng làng, lập nơi thờ tự. Nhân dân cũng lập miếu thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và trồng hai cây táu trước đền thờ. Đáng nói, hai cây táu trồng hai bên đền, khi trưởng thành một cây ra hoa vàng, một cây ra hoa trắng nên người dân còn gọi là "cây Vàng, cây Bạc".
Theo Báo Phú Thọ, cây táu bạc có chiều cao khoảng 25m, chu vi gốc cây là 6,1m, đường kính tán cây là 27m. Tương truyền khoảng hơn 300 năm trước, trong một trận cuồng phong, cây táu hoa vàng đã bị gãy. Một thời gian sau, từ gốc cây cũ đã mọc lên những chồi biếc rồi vươn mình xum xuê, nở hoa vàng rực rỡ. Cây táu hoa vàng ngày nay cao 21m, chu vi gốc là 4,5m, đường kính tán cây là 30m.
Năm 2012, hai cây táu được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận và trao danh hiệu "cây di sản Việt Nam". Đặc biệt, cây táu bạc được công nhận là cây di sản có tuổi thọ lâu nhất Việt Nam với hơn 2.100 tuổi.
Năm 2014, cây táu cổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quá trình làm đường dân sinh. Cây héo úa, lão hóa, thiếu chất dinh dưỡng nên nhiều cành khô, chết dần. Chính quyền địa phương đã giữ cây, mời các nhà khoa học và chuyên gia đến thẩm định, hỗ trợ tìm cách khắc phục. May mắn, cây táu đã dần hồi phục, đến mùa hè lại ra hoa, tỏa hương hương thơm ngát như minh chứng cho sức sồng trường tồn.