Sau 2 năm triển khai ứng dụng VssID, người dùng theo dõi được các thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN mà còn nắm rõ được lịch sử KCB BHYT của bản thân.
Trong quá trình sử dụng, người dùng thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của người sử dụng lao động và quá trình thụ hưởng các chính sách của mình, góp phần công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đây cũng được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
VssID đã hình thành và phát triển
Khoảng tháng 11/2020, ứng dụng VssID được BHXH Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động, cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đến nay, BHXH Việt Nam cơ bản đáp ứng được các tính năng tra cứu thông tin của người thụ hưởng trên ứng dụng VssID như: dễ dàng tra cứu thông tin tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi tìm hiểu, nắm bắt thông tin và trong thực hiện dịch vụ công với cơ quan BHXH.
Xem thêm:
Cảnh báo người dùng phần mềm VssID để bảo vệ quyền lợi khám chữa bệnh
Từ ngày 1/6/2021, người dùng ứng dụng VssID còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng khi đi khám chữa bệnh (KCB) thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Việc triển khai này được coi là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, mang lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT và cơ sở KCB.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/7/2022, trên toàn quốc đã có trên 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.
Thứ 3 trong các Bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công
Tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số vừa được tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021. Theo đó, BHXH Việt Nam xếp thứ 3 trong Bảng xếp hạng 17 Bộ.
Tham gia vào công việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí trong thực hiện các giao dịch về BHXH, BHYT với cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và bổ sung các DVC trực tuyến cập nhật trên Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận gần 55 triệu hồ sơ (chiếm 82,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận).
BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành DVC “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe”, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC của Ngành, chính thức áp dụng, triển khai thực hiện từ ngày 15/6/2022 . Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho người lao động.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH