Vốn đang đổ vào các thị trường tiềm ẩn rủi ro

(CL&CS) - Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn tiếp tục khó khăn vì đại dịch, vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực nhiều rủi ro. Đã đến lúc cần chuẩn bị cho nền kinh tế bật tăng mạnh mẽ trong năm 2021.

Việt Nam có thể tăng trưởng dương 11%

Kết thúc quý I/2021, Việt Nam có được tốc độ tăng tăng trưởng GDP là 4,48%, cao hơn dự báo. Sau khi con số GDP quý I của Việt Nam được công bố, nhiều tổ chức quốc tế đã khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (WB) và  IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021.  Ngân hàng Standard Chartered nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam ổn định và dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay. Fitch dự báo GDP Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7,5%.  Và Euromonitor dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 11%.  

riển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2021 này vẫn tiếp tục khả quan hơn các nước trong khu vực - Ảnh Lương Linh

Trong khi các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo rất lạc quan thì trong nước các dự báo đều rất thận trọng cho rằng “triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2021 này vẫn tiếp tục khả quan hơn các nước trong khu vực nhưng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đặt ra là rất khó khăn”.

Mức tăng GDP quý I là 4,48 % thấp hơn kịch bản đề ra và vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng ở cùng kỳ các năm trước.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng phức tạp hơn. Cuộc chạy đua mua vắc-xin trên thế giới khá quyết liệt. Kinh tế thế giới còn nhiều bất định và đầy rẫy rủi ro, bên cạnh đó là sự căng thẳng về thương mại và địa chính trị giữa các nước lớn ảnh hưởng xấu đến kinh tế thế giới và trong nước.

Bên cạnh đó nền kinh tế đang có những điểm rất cần lưu ý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Trần Quốc Phương cho biết.

Điểm lưu ý đầu tiên phải nói đến là tác động dai dẳng của dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, một số ngành và lĩnh vực như hàng không, vận tải, du lịch vẫn tiếp tục khó khăn.

Nguồn khách quốc tế đóng băng kéo cả chuỗi ngành liên quan là du lịch lữ hành, lưu trú, ăn uống, nhà hàng khách sạn, vận tải,  hàng không cùng sụt giảm nghiêm trọng. 

Số liệu thống kê quý I cho thấy doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 60,1%.

Lưu ý thứ hai là có biểu hiện cho thấy vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản… chứ không tập trung vào sản xuất. Thị trường trái phiếu vừa qua phát triển nhanh nhưng hầu hết là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.  

Tổng mức đầu tư vào thị trường chứng khoán tăng cao nhưng giá trị phát hành cổ phiếu giảm cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự phục vụ sản xuất kinh doanh.

Điểm chú ý thứ ba là chi phí logicstic cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Thứ tư là xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI và nhập khẩu vẫn tập trung ở một số thị trường. Thứ năm là cổ phần hóa và thoái vốn vẫn chậm.

Thứ sáu là vẫn còn nhiều vướng mắc của doanh nghiệp, vướng mắc về FDI và đầu tư công chưa được quan tâm xử lý nên vẫn là điểm nghẽn, chưa giải phóng được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Như vậy đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho năm nay là một thách thức lớn.

Tập trung theo dõi các thị trường tiềm ẩn nhiểu rủi ro

“Quý I tăng trưởng 4,48% thì để đạt mục tiêu 6,5% thì trong những quý còn lại phải có những quý tăng trưởng hơn 7%- đây là một thách thức trong bối cảnh phía trước là bất định và rủi ro, là dịch bệnh phức tạp và khó lường... ”,Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Theo kịch bản tăng trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì sang quý II tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt là 7,19% và 6 tháng đầu năm là 5,92%.

Và ở quý III, GDP cần tăng 6,78%  và GDP 9 tháng là 9 tháng đầu năm là 6,23%. Sang quý IV, mức tăng GDP phải đạt 7,16 %.

Nhưng không chỉ lo để nền kinh tế phục hồi, đạt mục tiêu tăng trưởng mà còn phải chuẩn bị để nền kinh tế bật tăng trưởng mạnh trở lại sau đại dịch. “Ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế”, Thứ trưởng Phương phát biểu.

Theo đó cần tính đến các giải pháp kích thích kinh tế mới, cần tiếp tục chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt và chủ động, mở rộng ở mức hợp lý. Nếu nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế th rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng.

Bên cạnh đó cần tập trung theo dõi các thị trường tiềm ẩn nhiểu rủi ro, giám sát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán và BOT giao thông, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường ảnh hưởng đến nền kinh tế. Theo dõi sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường.

Giải pháp tiếp theo là phải thúc đẩy phân bổ ngân sách và giải ngân đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng.

“Đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. ”, Thứ trưởng Trân Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết quí I màgiải ngân vốn đầu tư công rất chậm, chỉ đạt 13,17% kế hoạch. Hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%, trong đó có 31 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.Tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án trọng điểm đạt thấp.   

TIN LIÊN QUAN