Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 3.400 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; trong đó có 2.936 cơ sở quy mô nhỏ, 425 cơ sở quy mô vừa và 39 cơ sở quy mô lớn. Mặc dù chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong quản lý các trang trại chăn nuôi
Tập quán chăn nuôi của người dân vẫn mang nặng tính truyền thống. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, đang xuống cấp và lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ngành chăn nuôi của Vĩnh Phúc chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao; việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất chưa đồng bộ. Vai trò của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trong lĩnh vực này còn yếu; chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn, chế biến sản phẩm.
Nhằm hướng tới mục tiêu tăng giá trị chăn nuôi bình quân 3%/năm trong giai đoạn 2020- 2025, hướng tới một nền chăn nuôi an toàn, hiệu quả, giảm phát thải thì việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong quản lý các trang trại sẽ là một hướng đi mới, để có thể quản lý và phát triển chăn nuôi tại Vĩnh Phúc một cách bền vững.
Điện toán đám mây là một công nghệ được phát triển những năm gần đây và đã được ứng dụng hiệu quả vào nhiều lĩnh vực. Nhờ tài nguyên điện toán dùng chung, nên người dùng có thể truy cập tới nguồn tài nguyên này một cách dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi theo thời gian thực thông qua kết nối mạng internet. Công nghệ điện toán đám mây đã được Việt Nam và nhiều nước trên thế giới ứng dụng vào quản lý chăn nuôi một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Với xu thế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các trang trại, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, sẽ là một trong những giải pháp thông minh nhất để có thể quản lý đàn gia súc, gia cầm ở quy mô lớn.
Ưu điểm chính của công nghệ này là cho phép: Giám sát sản xuất theo thời gian thực trên nhiều trang trại cùng một lúc, từ mọi nơi; quá trình thu thập dữ liệu để báo cáo chỉ mất vài giây - cho phép người quản lý đưa ra quyết định sản xuất nhanh chóng; công nhân trang trại tiết kiệm thời gian nhập liệu trong chuồng lên đến 10%, lỗi nhập dữ liệu được giảm tới 85%; tiết kiệm chi phí quản trị IT mà không cần đặt máy chủ, cài đặt hay bảo trì phần mềm; các giải pháp được phát triển liên tục nhằm tăng tính bền vững, truy xuất nguồn gốc và giúp quản lý chăn nuôi chuẩn xác.