Quế có tên khoa học là Cinnamomum cassia, tên thông thường là Quế bì, Nhục quế, Quế đơn; thuộc họ Long não (Lauraceae). Bộ phận dùng là vỏ thân, vỏ cành, tinh dầu từ cành và lá, thành phần chính: Cinnamaldehyde.
Quế có mùi thơm, vị ngọt cay thường được dùng làm gia vị truyền thống trong chế biến thực phẩm. Có thể dùng trực tiếp hoặc xay thành bột. Đa số các thành phần của quế đều mang dược tính nên được ứng dụng trong Y học để điều trị bệnh.
Quế là một trong 4 vị thuốc quý, tứ bảo của đông y: Sâm, Nhung, Quế, Phụ. Quế có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa hàm lượng glucose và triglyceride trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim.
Quế chứa hoạt chất kháng khuẩn giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi-rút và nấm. Quế giàu các hoạt chất chống oxy hóa, giảm đau nhẹ và kháng sưng viêm; có lẽ vì lý do đó mà quế được sử dụng nhằm mục đích hồi phục sức khỏe sau cảm cúm, viêm họng, sốt và đau đầu. Mùi hương của quế giúp tăng cường khả năng nhận thức và trí nhớ.
Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu.
Các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.
Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.
Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ - cho biết, Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 - 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ.
Hay tại Mỹ, quế, hồi là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại thị trường này. Một thị trường nhập khẩu quế, hồi tiềm năng khác là Pakistan, theo thông tin của bà Nguyễn Thị Điệp Hà – Phụ trách Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Pakistan có nhu cầu cao với quế hồi, dược liệu. Năm 2022 Pakistan nhập khẩu 7.000 tấn quế, trong đó quế Việt Nam chiếm hơn 4% thị phần. Xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 200% trong năm 2022 so với năm 2021.
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc. Sản phẩm quế Việt Nam được tiêu thụ ở rộng khắc các thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ,… Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD. Tuy nhiên, con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Nhiều phân tích cho thấy, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Riêng thị trường quế, từ nay tới 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại các nước.