Sớm đạt mục tiêu 10 tỷ USD
Tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức tại Cà Mau ngày 6-2, Bộ NN&PTNT cho biết, hết năm 2016, cả nước thả nuôi được 694.645 ha, tăng 100,1% so với năm 2015. Tôm VN đã xuất khẩu sang 90 thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỉ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Từ thực tế trên, Bộ NN-PTNT phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỉ USD, năm 2030 đạt 8 - 10 tỉ USD.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp cũng chỉ ra nhiều bất cập, nhất là chưa làm chủ công nghệ chọn tạo con giống. Do vậy, mỗi năm phải nhập khẩu từ 180.000 - 260.000 con tôm chân trắng và tôm sú bố mẹ; đồng thời giá thành sản xuất luôn cao hơn các nước khác, nông dân lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cũng là khó khăn lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : xử lý nghiêm việc bơm tạt chất vào tôm. Ảnh: Phapluatplus |
Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ lại cho rằng với lợi thế của Việt Nam, phải rút ngắn thời gian đạt mục tiêu trên ở năm 2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Để đạt được mục tiêu này Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần tập trung toàn lực để thúc đẩy ngành tôm phát triển, theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi tôm…
Nhấn mạnh đến vấn đề chống tôm tạp chất, Thủ tướng khẳng định phải nghiêm cấm và có chế tài thích đáng đối với hiện tượng bơm các tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính mà một số gian thương đã làm thời gian qua.
Gỡ khó cho ngành tôm
Để đạt được những mục tiêu đề ra cho ngành tôm, Thủ tướng chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương cần khảo sát quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng nông dân tự phát, nhỏ lẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác; quy hoạch tôm để phát triển chứ không phải để kìm hãm phát triển. Hiện ở nước ta mới chỉ có 30% người nuôi tôm thành công; trong khi tỷ lệ của một số nước là 70%. Do đó, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương phải ngồi lại với các ngành, các cấp, các nhà khoa học tìm ra giải pháp cho thực trạng này.
Thủ tướng nhấn mạnh phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn của ngành tôm. Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN-PTNT phải nhanh chóng tìm được câu trả lời về giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho ngành tôm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi các ban ngành có liên quan, ngân hàng, điện lực… ra sức hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để cho ngành tôm phát triển.
Là một trong những người tâm huyết với sự phát triển của ngành tôm, ông Trương Hữu Thông, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận cho biết: Chính Phủ và ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển ngành tôm với 3 đối tượng nuôi theo thứ tự: Tôm thẻ chân trắng, Tôm Sú, Tôm càng xanh.
Về vấn đề, quy hoạch và phát triển vùng nuôi, ông Thuận cho biết doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả và thành công nhất là mô hình nuôi tôm ao bạt trên cát, nếu được Chính phủ hỗ trợ thì mô hình này sẽ còn đem lại hiệu quả cao cho ngành tôm Việt Nam.
Ngành tôm phục vụ cho chế biến xuất khẩu chiếm hơn 90% , trình độ và năng lực của các doanh nghiệp chế biến đáp ứng đủ cho sự phát triển của ngành tôm, doanh nghiệp chế biến tôm của Việt Nam đứng trong nhóm đầu của các nước cạnh tranh ngành tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ là các rào cản thị trường và chi phí giá thành cao chưa cạnh tranh.
Nếu nếu được những rào cản và khó khăn ngành tôm đang gặp phải thì mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 sẽ sớm hoàn thành. Ảnh: Internet |
Các thị trường Mỹ, Nhật, Eu, Anh, Trung Quốc và Hồng Kông…là những thị trường lớn nhập khẩu tôm của Việt Nam; Tuy nhiên, mỗi thị trường này đều có những rào cản gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam. Ông chủ của công ty Thông Thuận đưa ra dẫn chứng: Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro và thua lỗ nhất đó là rào cản thuế chống bán phá giá vào Mỹ. Đây là một rào cản bất hợp lý và mang màu sắc chính trị vì không có thị trường nào áp dụng rào cản này. Ngành tôm của Mỹ nhập khẩu đến hơn 90%. Tại Việt Nam tập đoàn Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ lớn nhất đã thoát khỏi vụ kiện, các doanh nghiệp còn lại đều bị rào cản này ngăn lại. Hiện nay Công ty Thông Thuận đang bị áp mức thuế chống bán phá giá là 4,78% dẫn đến thị trường này rủi ro và không có lãi. Bên cạnh các doanh nghiệp tự thân vận động thuê luật sư để đấu tranh, Hiệp hội VASEP cũng tập hợp doanh nghiệp thuê luật sư đấu tranh. Về vấn đề này, ông Thuận đề nghị Chính Phủ, các Bộ ngành đồng nhất đấu tranh đối với Chính phủ Mỹ mà đại diện là hai cơ quan Bộ thương mại Mỹ (DOC) và Toà án thương mại quốc tế Mỹ (CIT).
Trung Quốc là thị trường lớn và tiềm năng. Tuy nhiên các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam có thói quen làm ăn với nhau không rõ ràng minh bạch. Các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đứng sau người Việt nam hoạt động thu mua tôm, chế biến không theo tiêu chuẩn nào, xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, né tránh các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam và Trung Quốc. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn minh bạch đàng hoàng. “Cần phải kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu xuất hàng tiểu ngạch qua Trung Quốc, ủng hộ các doanh nghiệp xuất qua Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm, đặc biệt là tôm tiêm chích tạp chất” – ông Thuận kiến nghị.
Mai Trinh