Trong dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đã đề xuất quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng chế tài xử phạt với hành vi này. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý các hành vi lạm dụng công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo Nghị định 117/2020, các tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng nếu chỉ định, hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo đúng ý muốn. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế, cơ sở y tế nếu như vi phạm điều này cũng có khả năng bị đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép hành nghề 3 tháng.
Bên cạnh việc tuyên truyền người dân, Bộ Y tế cũng đề xuất đưa nội dung bỏ định kiến giới vào chương trình giáo dục. Tỷ số giới tính khi sinh là 104-106 bé trai/100 bé gái, tuy nhiên, tỷ số này đã bị mất cân bằng từ năm 2006. Từ năm 2012 trở đi, tỷ số này thường xuyên đạt mức 112 bé trai/100 bé gái. Như vậy, tỷ lệ bé gái chào đời ít hơn hẳn so với bé trai, gây mất cân bằng giới tính, ảnh hưởng tới vấn đề phát triển bền vững.
Việc mất cân bằng giới tính gây nên tình trạng dư thừa nam giới trong tương lai. Lúc này, nhiều thanh niên sẽ rơi vào tình trạng khó kiếm vợ để xây dựng gia đình. Tính đến năm 2050, nước ta có tới 2,3-4,3 triệu nam thanh niên khó tìm được 1 nửa của đời mình. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình trạng này có thể dẫn đến nạn mại dâm, bạo lực giới hay thậm chí là buôn người, ảnh hưởng nặng nề tới xã hội.
Bộ Y tế cũng đã lý giải lý do nam giới nhiều hơn nữ giới trong xã hội. Theo Bộ Y tế, nhiều gia đình vẫn có quan niệm sinh con trai để nối dõi. Khi mỗi gia đình chỉ sinh 1-2 con, họ thường chọn sinh con trai để có thể làm trụ cột gia đình.