Việt Nam có thể tham khảo ba bài học từ cách điều hành chính sách tiền tệ của các nước

(CL&CS) - TS. Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi ba bài học từ cách điều hành chính sách tiền tệ của các nước lớn trên thế giới.

Theo ông Thành, bên cạnh 3 bài học như vậy, chúng ta cũng cần bám sát thông tin, phải linh hoạt, phải minh bạch.

Tại Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" tổ chức mới đât, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh đã chia sẻ về kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới và những bài học đối với Việt Nam.

Theo TS. Võ Trí Thành, chính sách tiền tệ của các quốc gia là "một câu chuyện rất dài" và mỗi nước cũng có một đặc thù nhất định. Tuy nhiên, nếu nhìn lại giai đoạn năm 2022 cho đến nay, thì có thể khái quát lại một số bài học lớn.

Bài học đầu tiên rất quan trọng là các nước đều rất quan tâm tới cả 2 mục tiêu: Ổn định vĩ mô mà một chỉ số quan trọng là lạm phát. Chúng ta thấy rất rõ việc ưu tiên cho mục tiêu này là các nước như Hoa Kỳ, với hành động của Fed, hay nhiều nước châu Âu.

Mặt khác cũng có những nước, trong bối cảnh lạm phát còn rất thấp và ổn định vẫn giữ được, thì trọng số của họ chuyển mạnh vào hỗ trợ tăng trưởng. Ta thấy rõ nhất là Nhật Bản, mặc dù gần đây lạm phát Nhật Bản có nhích lên.

Hay là nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách tiền tệ tương đối nhẹ nhàng. "Tôi không dám nói là quá nới lỏng nhưng nhẹ nhàng", ông Thành chia sẻ.

Nhưng cách gì thì cách, chúng ta thấy đầu tiên là tuyên ngôn của các Ngân hàng Trung ương phải rất rõ về mục tiêu ưu tiên. Ví dụ như đối với Mỹ và châu Âu thì kiểu gì họ cũng ấn định mục tiêu cuối cùng là lạm phát phải ở con số trước đây họ thông qua là 2%. Rất nhiều tranh cãi tại sao không phải 2,5% hay 1,5%. 

Bên cạnh đó, họ vẫn dịch chuyển chính sách tiền tệ để làm sao hại ít nhất đến phục hồi kinh tế sau đại dịch và tăng trưởng. Ví dụ họ không thay đổi lãi suất một loạt mà gia giảm.

Còn với những nước như Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, mặc dù tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, nhưng họ vẫn theo dõi rất chặt chẽ biến động của lạm phát, để khi cần có thể điều chỉnh ít nhiều chính sách tiền tệ.

“Như vậy, bài học ở đây là phải rất rõ trong việc minh bạch điều đó, cộng với tính linh hoạt và sự khéo léo để làm sao đạt được cả 2 mục tiêu. Như chúng ta bàn là có thời điểm, có trọng điểm, thì họ có trọng số này, trọng số kia”, TS. Thành nhấn mạnh.

Bài học thứ hai, theo ông Thành là ngay cả các nước phát triển vừa qua không phải đã thực hiện một cách trọn vẹn, thậm chí họ cũng có những sai lầm. Chúng ta hay nói về chính sách tiền tệ là câu chuyện ổn định vĩ mô, lạm phát, hoặc là tỷ giá một bên, và một bên là tăng trưởng, phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định, độ an toàn, sự lành mạnh của thị trường tài chính ngân hàng.

Bài học này không mới nhưng từ cuộc khủng hoảng châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và đến bây giờ, thấy rất rõ câu chuyện sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, khởi đầu là ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) của Mỹ và kéo theo một loạt ngân hàng khác của Mỹ cũng như một trong top đầu ngân hàng là Silvergate Bank sụp đổ.

Cũng theo ông Thành thì bài học thứ hai chúng ta đừng quên, nếu nhìn theo nghĩa rộng của kinh tế vĩ mô, là sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng. Thực chất Việt Nam năm 2022 cũng phải rất vất vả chống đỡ sự rung lắc của thị trường tài chính, và đặc biệt là chấn động của một số ngân hàng. Chúng ta phải lưu ý bài học này.

TS. Võ Trí Thành nêu rõ: "Một cái nữa tôi cho là rất quan trọng khi nhìn vào bên ngoài và có thể gắn với bên trong. Như ta đã nói, trong công tác điều hành các chính phủ thường hướng tới đa mục tiêu”. Mà muốn đa mục tiêu thì phải đa công cụ. Cho nên chính sách tiền tệ dù quan trọng nhưng không phải là tất cả.

Và trong những điều kiện nhất định, đặc biệt là với nền kinh tế mở, chu chuyển vốn rất mạnh thì nhiều khi chính sách tiền tệ không khéo hiệu lực lại rất thấp. Thế nên kể cả đa mục tiêu, chúng ta phải phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, ngân sách.

Chúng ta thấy trong đại dịch cũng như gần đây, phần nào đó gánh nặng cho hỗ trợ, tăng trưởng, bên cạnh cái đa mục tiêu chính sách tiền tệ, còn có chính sách tài khóa đỡ lấy. Và cái đỡ ấy cũng tạo ra những cách không bình thường, đặc biệt những nước phát triển cho thấy, để chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ chính sách tài khóa. Ví dụ câu chuyện Hoa Kỳ, Fed có thể mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, để cung ứng khả năng tiền và thanh khoản cho bên chính sách tài khóa. Tất nhiên đây là cực chẳng đã, nhưng phối hợp tới mức kỹ thuật như vậy.

"Tôi nghĩ là bên cạnh 3 bài học như vậy, chúng ta cũng cần bám sát thông tin, phải linh hoạt, phải minh bạch", TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN