Việc đấu tranh với hàng gian, hàng giả không phải là câu chuyện đơn giản

(CL&CS) - Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) nhưng tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên các nền tảng bán hàng trực tuyến ngày càng gia tăng và phức tạp. Nhằm tìm kiếm những giải pháp hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho thị trường hàng hoá trên thương mại phát triển đúng hướng và bền vững. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã tổ chức Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" đã được diễn ra trên trực tuyến trên VnEconomy và Fanpage VnEconomy trong ngày 4/5 vừa qua.

Xu hướng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam phát triển rất nhanh. Năm 2021 doanh thu từ TMĐT đạt xấp xỉ 14 tỷ đô, tăng 16% so với năm 2020. Đến 2026, tổng giá trị hàng hóa TMĐT ước đạt 56 tỉ đô.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lại đang dần mất niềm tin với hoạt động mua bán trực tuyến trên cả các sàn TMĐT uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo do tình trạng bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng tăng.

Sách trắng của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho thấy, trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chính là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Có đến trên 70% người tham gia khảo sát lo lắng về vấn đề này.

Thống kê của Bộ Công Thương, cho thấy chỉ trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử"

Tại Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử",ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian qua xảy ra tăng rõ rệt, điều này do tình hình dịch bệnh dẫn đến việc mua bán hàng hóa trực tiếp bị hạn chế, các tổ chức, cá nhân bằng phương thức bán hàng thông qua mạng mới đưa được hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên cùng sự phát triển của thương mại điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin, các hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống đã xuất hiện trên thương mại điện tử. Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, cho đến nay chúng tôi có thể khẳng định, những vi phạm trong thương mại truyền thống đã xuất hiện trên thương mại điện tử.

Một trong những điều nhận thấy là khi lợi nhuận bắt đầu được đẩy lên, rất nhiều tổ chức cá nhân tìm mọi cách trục lợi, đặc điểm của thương mại điện tử là không phải tiếp xúc giữa người bán và người mua, không phụ thuộc vào địa lý, các phương thức thanh toán thông qua qua điện tử như internet banking dẫn đến việc mua bán giữa hai bên rất dễ dàng. Chính vì vậy, thời gian qua, theo chúng tôi đánh giá các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng không đúng như quảng cáo, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, đoạn video của chính hãng để quảng cáo, tuy nhiên khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng lại là hàng hóa khác, hoặc không đúng như quảng cáo, có thể sản phẩm kém chất lượng tuy có hình thức và chứng thực là sản phẩm chính hãng nhưng đã qua sử dụng, sản phẩm đã được sửa chữa, qua thời gian trưng bày, không đám bảo tính mới như nguyên bản. Người tiêu dùng bị thiệt thòi trong chế độ bảo hành cũng như độ bền sau này.

Ông Võ Trí Thành -Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng: Bên cạnh việc tích cực của phát triển thương mại điện tử như công ăn việc làm, sản xuất kinh doanh, phân phối, mặt trái của tấm huân chương là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Tác động tiêu cực thì ngoài chuyện làm méo mó môi tường cạnh tranh, hình ảnh doanh nghiệp, đất nước, sức sáng tạo và tác hại với người tiêu dùng. Một tác hại nữa là làm xói mòn nguồn thu, ảnh hưởng tới việc thu thuế. Đó là chưa kể là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, có quá nhiều hàng giả hàng nhái và hàng lậu, thì việc chuyển sang nền kinh tế không tiền mặt sẽ khó khăn và chậm. Bởi khi đó ta phải nhìn thấy hàng mới trả tiền.

Còn theo ông Vũ Anh – Giám đốc chiến lược sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò chia sẻ: Hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung cũng như trong thương mại điện tử nói riêng. Thực tế các sàn thương mại điện tử cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Chính vì thế nên các sàn thương mại điện tử làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó là, có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng. Vấn đề nhức nhối này có thể giải quyết bằng cách sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ban, ngành; đồng thời đưa ra các khung pháp lý cơ chế chính sách phù hợp, hướng dẫn các sàn thương mại điện tử.

Có thể thấy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng ngày càng khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, với việc từng bước hoàn thiện khung khổ pháp luật, sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự chung sức, đồng lòng của các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và của chính người tiêu dùng, hy vọng vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ sớm được đẩy lùi. Trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh, từng bước lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

TIN LIÊN QUAN