Ngày 10/11, cổ phiếu VIB sẽ có phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE với giá tham chiếu 32.300 đồng/cổ phiếu. Khối lượng niêm yết tại HOSE là 924.491.395 cổ phiếu.
Trước khi niêm yết tại HOSE, cổ phiếu VIB đã có gần 4 năm giao dịch tại thị trường UPCoM, từ 9/1/2017 - 29/10/2020. Trong phiên giao dịch cuối cùng tại UPCoM, cổ phiếu VIB đạt 32.800 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa ngân hàng này trị giá 30.323 tỷ đồng.
Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE được xác định theo nguyên tắc bình quân giá tham chiếu của cổ phiếu VIB trong 20 phiên giao dịch cuối cùng tại UPCoM. Theo đó, VIB sẽ có giá tham chiếu là 32.300 đồng/cổ phiếu, chênh lệch không nhiều với giá đóng cửa 32.800 đồng/cổ phiếu trong phiên cuối cùng tại UPCoM.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VIB tăng giá 90% trở thành cổ phiếu tăng giá tốt thứ nhì ngành ngân hàng chỉ sau cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Nếu tính từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam lập đáy vào cuối tháng 3, cổ phiếu VIB đã tăng 156%, cao nhất ngành ngân hàng.
Đánh giá về triển vọng của cổ phiếu VIB trong tương lai, CTCP Chứng khoán SSI khuyến nghị ở mức kém khả quan sau khi ngân hàng niêm yết trên HOSE và giá mục tiêu sau 1 năm là 28.800 đồng/cổ phiếu, tức giảm 10% so với giá tham chiếu 32.300 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn HOSE.
Tăng trưởng giảm tốc so với giai đoạn trước. Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ước tính vẫn duy trì tốt trong cả hai năm 2020 và 2021 lần lượt đạt +23% và +14% so với cùng kỳ, nhưng mức tăng này đã giảm đáng kể từ mức tăng trưởng 80%/năm của giai đoạn 2016-2019. Với việc tăng trưởng lợi nhuận không còn ở mức đột biến, ROE ước tính sẽ đạt mức 23,5% trong năm 2021, giảm từ 27,1% trong năm 2019. Tính đến ngày 30/9/2020, tăng trưởng cho vay mua ô tô và mua nhà đều thấp hơn so với mức tăng trưởng +42% và +38% so với đầu năm tại thời điểm cuối quý 3/2019.
Lợi nhuận ròng từ cho vay mua ô tô có thể bị ảnh hưởng nếu chi phí tín dụng tăng mạnh. Lợi nhuận ròng từ cho vay mua ô tô (sau khi đã trừ cả chi phí tín dụng và chi phí hoạt động) ước tính tương đối thấp là 0,8% đối với các khoản cho vay mua ô tô mới, với lãi suất năm đầu tiên là 9,2%, sau đó tăng lên 11%. Do tỷ lệ nợ xấu của cho vay mua ô tô tăng lên trong hai quý đầu năm, SSI cho rằng chi phí tín dụng sẽ cao hơn trong những giai đoạn sắp tới, khiến lợi nhuận ròng đối với hoạt động cho vay mua ô tô ước tính giảm nhẹ xuống 0,61%.
Dự phòng bao nợ xấu thấp là điều đáng quan tâm. Tại thời điểm 30/6/2020, nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt ở mức 3.200 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng chi phí dự phòng trích lập chỉ ở mức 1.600 tỷ đồng, trong đó dự phòng cụ thể là 618 tỷ đồng và dự phòng chung là 1.000 tỷ đồng. Trong điều kiện hiện tại, SSI ưa thích những ngân hàng có số dư dự phòng lớn hơn để đối phó với rủi ro tín dụng có thể tăng lên. Dự phòng bao nợ xấu và dự phòng bao nợ quá hạn của ngân hàng lần lượt ở mức 49,8% và 25,6% tại thời điểm cuối quý 2/2020.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn đã được phản ánh hầu hết vào giá. VIB đã đi đầu trong việc tận dụng tăng trưởng nhờ cho vay mua nhà và mua ôtô. Mặc dù VIB là ngân hàng nhỏ, chỉ chiếm 1,5% thị phần cho vay trên cả nước, nhưng VIB lại sở hữu thị phần cho vay mua ô tô lớn nhất và quy mô cho vay mua nhà tương đương của MBB và ACB. Tuy nhiên, theo quan điểm của SSI, câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của VIB phần lớn đã được phản ánh vào giá. Hiện tại, VIB đang giao dịch với hệ số P/B dự phóng năm 2020 và 2021 lần lượt là 1,77 lần và 1,41 lần, không còn hấp dẫn so với mức bình quân của các ngân hàng thương mại cổ phần trong phạm vi nghiên cứu của SSI là 1,23 lần và 1,04 lần.
VIB là ngân hàng TMCP tư nhân được thành lập năm 1996, hiện nay ngân hàng có vốn điều lệ 9.245 tỷ đồng. Cổ đông lớn của VIB là Commonwealth Bank of Australia đang sở hữu 20%. Bên cạnh là một số cá nhân sở hữu nhiều cổ phần như: Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan (14,915%), Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Sơn và người có liên quan (4,009%) thành viên HĐQT Đỗ Xuân Hoàng và người có liên quan (9,369%), Phó Tổng Giám đốc Trần Nhất Minh và người có liên quan (5,074%).
VIB được coi là ngân hàng tư nhân cấp 2 về tổng dư nợ cho vay khách và quy mô mạng lưới.
VIB đã nhanh chóng phát triển dư nợ cho vay và nhắm mục tiêu ngân hàng bán lẻ. Các khoản cho vay cá nhân chiếm 82,23% tổng dư nợ cho vay tính đến ngày 30/9/2020, tăng từ 46,9% vào cuối năm 2016