VIB: Lợi nhuận 9 tháng đạt 7.814 tỷ đồng, ROE duy trì ở mức 30%

(CL&CS) - Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm nay của VIB đạt 7.814 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường.

Hiện nay, VIB nằm trong nhóm dẫn đầu về thị phần cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ trên toàn quốc.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 kiểm toán. Theo đó, thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là hai lĩnh vực cốt lõi đóng góp chính trong thu nhập cho ngân hàng.

Thu nhập lãi thuần tăng 31,3% so cùng kỳ năm trước (YoY), đạt 11.052 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch tăng 31,4% YoY, đạt 2.349 tỷ đồng. Hai hoạt động này chiếm lần lượt 82,7% và 17,6% trong cơ cấu tổng thu nhập của VIB.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư đều không mang lại kết quả tốt cho ngân hàng khi lần lượt thua lỗ 223 tỷ đồng và 79 tỷ đồng. So cùng kỳ năm trước, hoạt động kinh doanh ngoại hối đã lỗ thêm 175 tỷ đồng còn mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lãi 95 tỷ đồng sang lỗ 79 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập (doanh thu) của của VIB đạt 13.371 tỷ đồng, tăng 28,7%, tương đương 2.983 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động được kiểm soát tốt với mức tăng 12% YoY, tương đương 496 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 1,2% YoY, tương đương 11 tỷ đồng đã giúp lợi trước thuế tăng mạnh. Nhờ đó, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm xuống còn 35%, hiệu quả quản trị chi phí ở nhóm dẫn đầu ngành.

Cụ thể, VIB ghi nhận 7.814 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng 46,4% YoY và hoàn thành 74,4% kế hoạch cả năm 2022 (10.500 tỷ đồng). Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.919 đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay của VIB (đơn vị tính: tỷ đồng, %).

Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của VIB đạt 340.910 tỷ đồng, giảm 2,04% trong quý 3 nhưng tăng 10,14% trong 9 tháng đầu năm nay. Tiền gửi khách hàng đạt 189.033 tỷ đồng, giảm 4,13% trong quý 3 và tăng 8,91% so với đầu năm.

Cho vay khách hàng đạt 226.153 tỷ đồng, tăng 2% trong quý 3 và 12,23% trong 9 tháng đầu năm nay. Trong 5 năm gần đây, VIB thuộc nhóm ngân hàng có tăng trưởng tín dụng bán lẻ dẫn đầu thị trường. Theo đó, dư nợ bán lẻ của VIB vượt 200.000 tỷ đồng, có quy mô thuộc nhóm hàng đầu trong số các ngân hàng tư nhân. Tính đến hết quý 3/2022, VIB tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về thị phần cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ trên toàn quốc.

Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,35%, tăng nhẹ so với mức 2,32% hồi đầu năm. VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa, tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm 90% tổng danh mục cho vay, với trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, ngân hàng này có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nằm trong nhóm thấp nhất ngành, khoảng 2.100 tỷ đồng, tương đương 0,9% tổng dư nợ tín dụng, trong đó phần lớn trái phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất thương mại và tiêu dùng. 

Đến ngày 30/9, vốn chủ sở hữu của VIB đạt 30.478 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2021, cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dư nợ. Hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) được duy trì trung bình 30% trong nhiều năm liên tục đã tạo ra nguồn vốn bổ sung cho hoạt động của ngân hàng. Hệ số an toàn vốn (CAR) của VIB theo Basel II đạt mức cao trên 12,4%, so với quy định của Ngân hàng Nhà nước là trên 8%.

TIN LIÊN QUAN