Vì sao cổ phiếu CKG của CIC Group bị cắt margin?

(CL&CS) - Ngày 8/9, HOSE ra quyết định đưa cổ phiếu CKG của CIC Group vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) do CIC Group chậm công bố báo cáo tài chính bán niên 2023 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Dự án lấn biển tại Rạch Giá của CIC Group.

Chưa chọn được đơn vị kiểm toán

Trước đó, ngày 31/8, HĐQT của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) ra nghị quyết tạm thời lựa chọn danh sách các công ty kiểm toán được cơ quan nhà nước chấp thuận để soát xét báo cáo tài chính bán niên và kiểm toán 2023.

Lý do được HĐQT CIC Group đưa ra là đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 lần 2 của công ty đã đủ điều kiện để tổ chức đại hội. Tuy nhiên, quy chế tổ chức và làm việc, chương trình đại hội không đảm bảo tỷ lệ thông qua.

Do đó, đại hội đồng cổ đông chưa thông qua danh sách công ty kiểm toán thực hiện báo cáo tài chính soát xét bán niên và kiểm toán năm 2023.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và tuân thủ quy định pháp luật về công bố thông tin, HĐQT thống nhất tạm thời lựa chọn danh sách các công ty kiểm toán đã được cơ quan Nhà nước chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán năm 2023 để thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023.

Được biết, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam (RSM) là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho CIC Group từ 2015 đến 2022. Đến thời điểm 12/9, CIC Group chưa công bố đã chọn được đơn vị kiểm toán.

Các nhóm cổ đông tranh giành quyền lực

Hiện nay, vốn điều lệ của CIC Group đạt 953 tỷ đồng, tương ứng 95.259.361 cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, cổ đông lớn nhất là ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT CIC Group với tỷ lệ sở hữu 8,2%, tương ứng 7.912.474 cổ phiếu CKG.

CIC Group tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 lần 1 vào 29/6. Đại hội có 210 cổ đông tham dự sở hữu 25.442.051 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 26,7% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, đại hội không đủ điều kiện để tiến hành.

Trước khi đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 lần 2 diễn ra, nhóm cổ đông 5 nhà đầu tư sở hữu 8,9 triệu cổ phiếu CKG, tương ứng 10,25% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của CIC Group có đơn đề nghị bãi nhiệm 8/9 thành viên HĐQT (trừ ông Trần Thọ Thắng), đồng thời đề cử nhân sự tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026.

Lý do bãi nhiệm 8/9 thành HĐQT CIC Group, nhóm cổ đông cho rằng các thành viên là ông Quảng Trọng Sang, bà Phạm Thị Như Phương, ông Lê Trọng Ngọc, ông Lê Trọng Tú, bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, ông Nguyễn Đức Hùng, ông Hà Duy Nghiêm và ông Nguyễn Thanh Lâm không đáp ứng năng lực tại vị trí thành viên HĐQT cũng như sẽ khó giúp công ty phát triển trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện tại.

Tuy nhiên, HĐQT CIC Group ra quyết nghị từ chối yêu cầu bãi nhiệm các thành viên HĐQT do không có cơ sở để trình đại hội đồng cổ đông xem xét bãi nhiệm. Đồng thời, từ chối đơn ứng cử thành viên HĐQT do đơn đề cử không hợp lệ.

Đại hội đồng cổ đồng thường niên 2023 lần 2 được CIC Group tổ chức vào 26/7/2023 bất ngờ có đến 346 cổ đông tham dự sở hữu 73.998.493 cổ phiếu, chiếm 77,68% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Cổ đông tham dự đại hội lần 2 sở hữu bình quân 213.868 cổ phiếu/người cao hơn rất nhiều so với lần 1 chỉ với 121.153 cổ phiếu/người.

Đại hội lần 2 đủ điều kiện tiến hành nhưng bất ngờ đã xảy ra khi nội dung 1 (quy chế tổ chức và làm việc đại hội lần 2) và nội dung 2 (chương trình đại hội lần 2) không được thông qua với kết quả biểu quyết không tán thành lên đến 56,39%, tương đương 43.236.610 cổ phiếu; tỷ lệ tán thành chỉ 31,8% và không hợp lệ 12,43%.

Như vậy, đại hội lần 2 đủ điều kiện tiến hành nhưng không thể tiếp tục triển khai các nội dung còn lại.

Nếu các nhóm cổ đông lớn không ngồi lại với nhau và cùng chung quan điểm thì đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 lần 3 (chưa xác định được thời gian tổ chức) có khả năng tiếp tục không thông qua các nội dung của đại hội. Từ đó, công ty không thể phát triển, nhà đầu tư mất niềm tin vào ban lãnh đạo doanh nghiệp, cổ phiếu rớt giá gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Hiện tại, cổ phiếu CKG bị cắt margin do công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 5 ngày làm việc.

Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, cổ phiếu CKG có thể bị rơi vào tình trạng cảnh báo (quá 15 ngày), kiểm soát (quá 30 ngày), thậm chí là hạn chế giao dịch (quá 45 ngày).

TIN LIÊN QUAN