Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 8/2022, nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước.
Ước tính hết tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,8 tỷ USD, thấp hơn gần 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù có tín hiệu tích cực hơn nhưng VASEP đánh giá thị trường xuất khẩu thủy sản năm nay vẫn trong giai đoạn xáo trộn, khó đoán.
Điều này thể hiện rõ khi vào tháng 5/2023 kim ngạch xuất khẩu phục hồi, đạt mức cao 808 triệu USD, nhưng 2 tháng tiếp theo lại chững lại trong khi quy luật hàng năm xuất khẩu tăng dần đều trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý 3.
Riêng cá tra đạt khoảng 167 triệu USD trong tháng 8, cũng ghi nhận mức sụt giảm thấp nhất trong 6 tháng. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt tổng cộng gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP nhận định, có hai yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam thời gian qua. Đầu tiên, nền kinh tế thế giới suy giảm khiến nhu cầu mặt hàng này sụt giảm ở các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc trong khi đây vốn là 3 thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Các thị trường khác cũng đối mặt với lạm phát khiến tiêu thụ sụt giảm.
Mặt khác, nửa đầu năm 2022, khi nền kinh tế các nước phục hồi sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã ồ ạt nhập khẩu với kỳ vọng tăng doanh số xuất khẩu và tiêu thụ cá tra trong nửa cuối năm 2022.
Nhưng trái với dự đoán, lượng tiêu thụ cá tra không đạt như kỳ vọng khiến lượng tồn kho tăng cao và kéo dài đến đầu năm 2023. Hệ lụy là giá nhập khẩu cũng bị cạnh tranh với hàng tồn kho khiến mặt hàng cá tra mới cũng bị cạnh tranh về giá tại các thị trường.
Theo VASEP, ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam rất kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa, tuy nhiên thực tế kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm tới hơn 30%.
Dự báo cả năm 2023 xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm 32% so với năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm tuy chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Mỹ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tín hiệu tăng từ tháng 3 nhưng không duy trì được đà tăng liên tục.
So với tôm và cá tra thì xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác giảm nhẹ hơn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì doanh số ổn định qua từng tháng. Những thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất gồm: Nhật Bản, chiếm 28,5%; Mỹ 15%, Hàn Quốc 11%, EU chiếm 9%...
Trong số đó, các loài hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến xuất khẩu và gia công xuất khẩu cũng đóng góp một phần cho doanh thu ngành hải sản. Do vậy, trong khi đa số các doanh nghiệp đều bị sụt giảm xuất khẩu trong thời gian qua, thì vẫn có những doanh nghiệp đạt doanh số cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho loại hình chế biến xuất khẩu này.
Cũng theo VASEP, tình trạng xuất khẩu trầm lắng nửa đầu năm sẽ thay đổi cục diện theo chiều hướng khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm.
Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS) vừa kết thúc chương trình thanh tra một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, nhằm đánh giá hệ thống kiểm soát VSATTP đối với cá tra xuất khẩu sang Mỹ.
Thep VASPE, kết quả thanh tra tích cực một lần nữa khẳng định uy tín và chất lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong những tháng tới.
VASEP nhận định xuất khẩu hải sản có thể có chiều hướng khả quan hơn nếu sau chương trình thanh tra của EC vào tháng 10 đối với hải sản khai thác kết quả đánh giá tích cực. Tuy nhiên, về góc độ tiêu thụ thì tôm và hải sản cũng có hy vọng lạc quan về sự hồi phục của các thị trường, cũng những biến động khác.
Sau tin Nhật Bản xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển, có thể người tiêu dùng Nhật Bản sẽ thận trọng với tiêu thụ thủy sản nội địa, do vậy sẽ tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật, tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam.
Những thông tin trên, cùng với dấu hiệu kinh tế hồi phục ở một số thị trường sẽ đem lại hy vọng cho xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm, với dự báo lạc quan doanh số xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022.