Cụ thể theo VASEP, ngoài việc chi phí giá thành cho sản xuất tăng chóng mặt ngay từ đầu năm thì cước vận tải biển đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít do các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.
Theo phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp thủy sản như "cá nằm trên thớt", đặt được chuyến là mừng, cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 – 15 ngày.
Thậm chí, doanh nghiệp đã đặt được chỗ nhưng vì một lý do nào đó không thể xuất như lịch thì cũng mất hơn 1.500 USD/container.
Hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4/2021, sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ, sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay. Ảnh: VASEP
VASEP cho biết, mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay. Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, còn nếu chờ tới ngày xuất hàng mới đặt chuyến thì lại không còn chỗ để book.
Đầu tháng 1/2021, nhiều chủ hàng trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ cho biết từ nhiều tháng qua phải trả giá thuê container rỗng tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh.
Giá cước vận tải tăng, tình trạng thiếu chỗ, thiếu container xuất hàng đã diễn ra từ cuối năm 2020 và kéo dài đến đầu năm nay. VASEP cho biết, từ cuối tháng 10/2020, các doanh nghiệp thủy sản thuộc hiệp hội này đã nhận thông báo của một số hãng tàu vận tải container như: Wan Hai Lines Ltd., Heung Aline, Interasia, Yaming Shipping Vietnam, Sinokor, Nam Sung Shipping Vietnam… về tăng phụ phí với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Mức tăng phổ biến từ 50 - 200 USD/container và áp dụng luôn từ ngày 1/11/2020, tức chỉ vài ngày sau khi gửi thông báo tới khách hàng.
Ngoài tăng phụ phí, một số hãng tàu còn thông báo tăng phí phụ phí mùa cao điểm từ 150 - 450 USD/container. Để thuê được tàu xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã phải trả phí gấp đôi, gấp ba so trước thời điểm tháng 10-2020. Hiện mức thuê doanh nghiệp phải bỏ ra vào khoảng 7.200 USD/container (tăng hơn 5.000 USD), dù vậy, doanh nghiệp vẫn khó để có thể thuê được tàu đóng hàng…
Năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu trên 9,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong đó kỳ vọng xuất khẩu đi Mỹ, EU và các nước khác sẽ tích cực nhờ đòn bẩy từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP...