Thực hiện cam kết, thể hiện vai trò quan trọng
Theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành trong năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng từ 8-10%.
Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu bảo hiểm sức khỏe tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 8-10% trong năm 2024 nhờ vào sự phục hồi của thị trường xe cơ giới và sự gia tăng của các sản phẩm bảo hiểm tài sản, du lịch…
Số liệu từ Bộ Tài chính mới đây cho biết, 9 tháng năm 2024, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.070 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.621 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 46.449 tỷ đồng.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm tính đến cuối tháng 9/2024 ước đạt 978.906 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 165.518 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, những thiệt hại từ cơn bão số 3 vừa qua đang tạo áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chi trả bồi thường cho khách hàng.
Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 25/9/2024, theo báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường dự kiến cho bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là khoảng 10.165 tỷ đồng.
Đây vẫn là con số chưa đầy đủ, trong khi theo các chuyên gia, tỷ lệ bồi thường tăng có thể làm giảm lợi nhuận trong ngắn hạn và đặc biệt có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp nếu không đủ chi phí dự phòng.
Dù vậy, việc giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định của các doanh nghiệp bảo hiểm sau thiên tai không chỉ giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, mà theo ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, điều này còn thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của ngành bảo hiểm đối với cộng đồng, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin và sự an tâm cho khách hàng.
Ông Việt cũng nhấn mạnh, thiên tai luôn là thử thách lớn nhưng trong hoàn cảnh này, vai trò của ngành bảo hiểm càng trở nên quan trọng và thiết thực hơn bao giờ hết.
Vì thế, trước, trong và sau bão số 3, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nỗ lực ứng phó, cử cán bộ, nhân viên trực tiếp đến hiện trường để nắm bắt thiệt hại, tình hình tổn thất, qua đó giám định và tạm ứng bồi thường nhanh chóng.
Cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ
Những năm qua, công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành bảo hiểm. Việc ứng dụng công nghệ vào quy trình bảo hiểm từ đăng ký, ký kết hợp đồng đến xử lý yêu cầu bồi thường giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng thị phần.
Chẳng hạn, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã triển khai ứng dụng bảo hiểm số, cho phép khách hàng đăng ký và theo dõi các hợp đồng bảo hiểm trực tuyến một cách dễ dàng. PTI cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hơn 15% từ các sản phẩm bảo hiểm số trong năm 2024.
Việt Nam đã cho ra mắt ứng dụng giúp khách hàng dễ dàng quản lý và tra cứu thông tin hợp đồng bảo hiểm trên các thiết bị di động, nhưng vẫn đáp ứng tối đa các yêu cầu về bảo mật. AIA Việt Nam cũng đã ra mắt dịch vụ bảo hiểm sức khỏe AIA nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
Prudential Việt Nam lại thực hiện hợp tác với Tập đoàn FPT để được tư vấn chiến lược chuyển đổi số toàn diện và cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt…
Xu hướng này còn được hỗ trợ bởi nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới và nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro.
Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cùng các quy định mà Bộ Tài chính ban hành đã tạo ra khung pháp lý giúp các doanh nghiệp bảo hiểm dễ dàng triển khai các sản phẩm bảo hiểm linh hoạt và sáng tạo hơn.
Chính vì thế, những năm gần đây, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam ngày càng tăng lên, nhưng sự hiểu biết sâu sắc và tin tưởng vào các dịch vụ bảo hiểm vẫn còn hạn chế.
Chẳng hạn như cơn bão số 3 vừa qua, thiệt hại theo ước tính lên tới hơn 81.500 tỷ đồng nhưng bồi thường bảo hiểm lại chỉ khoảng 1/8 tổng thiệt hại, trong đó chủ yếu là bảo hiểm tài sản, tàu thuyền, xe cơ giới…
Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần phải triển khai và gia tăng mức độ sử dụng của loại hình bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp… nên các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; đơn giản hóa thủ tục và quy trình bồi thường cũng như tiếp tục ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả vận hành và tiếp cận khách hàng.