Đó là nội dung trao đổi của TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương với Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống.
Theo những số liệu về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 này tới nền kinh tế trên số liệu thống kê thì không quá nặng nề. Nhưng dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Vậy làn sóng dịch này sẽ tác động thế nào tới tình hình kinh tế năm nay?
Việc chống dịch lần này vừa khó khăn, phức tạp và tốn kém nhiều hơn. Thời gian chống dịch, dập dịch để quay lại trạng thái bình thường có thể kéo dài hơn và tác động tiêu cực tới nền kinh tế nhiều hơn.
Làn sóng dịch thứ 4 này rất khác so với 3 lần trước. Dịch lần này có quy mô lớn hơn, nguồn lây nhiều hơn và phức tạp hơn, lây nhiễm chủ yếu từ cộng đồng, nơi tập trung đông người. Và tốc độ lây lan nhanh hơn. Đặc biệt, dịch đã bùng phát mạnh ở một số khu là trung tâm công nghiệp chế biến xuất khẩu của cả nước như Bắc Ninh – Bắc Giang. Có thêm nhiều ca dương tính ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Long An… Số người bị lây nhiễm đợt này bằng với số của cả 3 đợt trước cộng lại.
Vậy tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Khi chưa có đợt dịch này chúng ta đều đã thấy mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đặt ra là một mục tiêu cao và nhiều thách thức. Với tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48% thì để đạt mục tiêu cả năm, Quý II tăng trưởng phat đạt 7,11%, quý III là 6,73%, còn quý IV là 7,04%.
Nhưng với diễn biến dịch bệnh như thế này đang làm cho việc đạt được tốc độ tăng trưởng khó khăn hơn. Dịch bệnh khiến sản xuất kinh doanh tiếp tục chịu tác động tiêu cực. Bên cạnh các tác động tiêu cực từ các làn sóng trước, làn sóng dịch thứ 4 sẽ mang lại nhiều tác động mới.
Đợt dịch bệnh này đã gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất trong thời gian cách ly chống dịch. Thêm thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách ở một số địa bàn… Sản xuất bị thu hẹp, sản lượng công nghiệp có thể bị giảm, và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.
Kết hợp cả hai loại tác động từ 3 đợt dịch trước với tác động mới từ làn sóng Covid-19 này thì tăng trưởng quý II/2021 sẽ thấp hơn kế hoạch và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn kế hoạch dự kiến.
Về an sinh xã hội, số lao động bị mất việc làm, giảm việc làm tăng lên. Số lao động gia nhập khu vực phi chính thức gia tăng. Cuộc sống và sinh kế của khu vực phi chính thức, lao động tự do trở nên khó khăn hơn, bấp bênh và dễ bị tổn thương hơn.
Vậy để giảm thiểu tác động tiêu cực, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất có thể, chúng ta cần làm gì và phải làm gì, thưa ông?
Theo tôi, về mục tiêu, vẫn giữ định hướng mục tiêu kép nhưng phải cụ thể hơn. Kinh tế và y tế là hai mặt không thể tách rời nhau. Có khống chế được dịch, thì mới có thể có kết quả kinh tế khả quan. Nhưng trong lúc dồn lực chống dịch cũng cần sớm tính tới các giải pháp, biện pháp kinh tế.
Về y tế cần thay đổi và hay bổ sung thêm giải pháp mà giải pháp vắc xin quyết định. Chỉ có tiêm vắc xin cho đa số dân thì mới đẩy lùi được dịch bệnh, xã hội mới an toàn. Bên cạnh các giải pháp như xét nghiệm, khoang vùng, truy vết, không chế nguồn lây, thì phải tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề vắc xin.
Về kinh tế, cần phải có các kịch bản. Kịch bản chính là một công cụ để điều hành. Theo tôi phải dự báo, phải tính toán xem kinh tế tăng trưởng như thế nào? Từ đó xác định xem vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng hay điều chỉnh mục tiêu? Hay theo tinh thần đạt được tối đa có thể? Và cần những giải pháp gì.
Theo tôi, Chính phủ cần giao các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách và giải pháp hỗ trợ và kích thích kinh tế mới để trình Chính phủ cuối tháng 6 đầu tháng 7 /2021.
Vừa chống dịch, vừa hỗ trợ các địa phương, các khu công nghiệp và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhanh chóng phục hồi lại sản xuất, khuyến khích đầu tư trong nước trong đó chú ý thúc đẩy đầu tư công.
Dịch bệnh đang rất phức tạp, các điểm phải giãn cách, phải cách ly đang nhiều lên.Đó là biện pháp cần phải làm để khống chế sự lây lan của dịch bệnh nhưng bên cạnh đó cần có các giải pháp khác để hạn chế đến mức tối đa việc hạn chế, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Đồng thời hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Và cần yêu cầu các khu công nghiệp trên toàn quốc có kế hoạch chủ động đối phó dịch bệnh, tránh đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng.
Thúc đẩy tiến độ giải ngân, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư công là vấn đề từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh dịch bệnh này, làm gì để thúc đẩy giải ngân, và nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư công?
Cũng như các ngành kinh tế khác, đầu tư công cũng bị ảnh hưởng vì đại dịch, các công trình bị đình trệ. Nhưng bên cạnh là những nguyên nhân khác như do thủ tục, do yêu cầu về hiệu quả dự án không rõ ràng.
Vướng mắc nhất hiện nay là tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công chưa rõ ràng. Thế nào là dự án hiệu quả. Ai thẩm định mức độ hiệu của dự án đó. Và trong dự án hiệu quả thì đâu là dự án hiệu quả nhất? Hiện nay nay có hội đồng thẩm định nhưng hội đồng này không hoàn toàn độc lập. Vì vậy cần có hội đồng thẩm định độc lập là các chuyên gia bên ngoài. Đồng thời cần đổi mới toàn diện cơ chế chuẩn bị, thẩm định và lựa chọn dự án đầu tư, nhất là xác định rõ và cụ thể các tiêu chí đánh giá hiệu quả đự án đầu tư; và thể chế phân bố vốn đầu tư dựa trên mức độ hiệu quả của dự án.
Đồng thời cần sửa trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi. Bộ Tài chính ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).