Uống nhiều hơn một lít nước mỗi giờ có hại gì?

(CL&CS) - Nước là thành phần không thể thiếu cho cơ thể, mỗi người thường được khuyến cáo uống đủ 8 ly/ngày. Tuy nhiên, tương tự mất nước, uống nước quá nhiều cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà các chuyên gia thường gọi là nhiễm độc nước (hạ natri máu).

Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi 19-30 nên uống khoảng 2,7 lít/ngày, nam giới cùng độ tuổi không nên uống quá 3,7 lít/ngày. Khoảng 20% ​​lượng chất lỏng hàng ngày chúng ta nạp vào cơ thể thường đến từ thức ăn và đồ uống khác không phải nước.

Tuy nhiên, vận động viên, phụ nữ đang cho con bú, người lớn tuổi có thể cần uống nhiều nước hơn do lượng tiêu thụ, bài tiết qua mồ hôi nhiều. Ta có thể tính số lít nước cần uống mỗi ngày theo lượng calo nạp vào cơ thể: người ăn 2.000 calo nên uống tương ứng 2 lít nước.

Nếu vượt quá những con số trên, chúng ta có thể bị ngộ độc nước. Tình trạng thừa, nhiễm độc nước thường xảy ra khi một người uống nhiều nước trong khoảng thời gian ngắn, vượt quá lượng mà thận có thể đào thải qua nước tiểu.

Thận có thể bài tiết khoảng 20 lít nước mỗi ngày. Mỗi giờ, thận chỉ có thể lọc không quá 0,8-1 lít nước. Triệu chứng hạ natri máu có thể xuất hiện khi một người uống 3-4 lít nước trong thời gian ngắn, sẽ gây ngộ độc.

Uống nhiều nhiều hơn một lít nước mỗi giờ có thể gây ngộ độc (Ảnh: AFP)

Natri là chất giúp duy trì sự cân bằng của chất lỏng bên trong và ngoài tế bào. Nếu natri bị hạ đột ngột, chất lỏng sẽ đi từ bên ngoài vào trong tế bào. Khi mức natri giảm xuống dưới 135 mmol/l, nó khiến các tế bào não ngập trong nước làm chúng sưng phồng. Quá nhiều chất lỏng ở tế bào làm tăng áp lực trong hộp sọ. Điều này có thể ảnh hưởng não, gây rối loạn chức năng thần kinh.

Triệu chứng của người bị ngộ độc nước là đau đầu, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, yếu cơ hoặc chuột rút, tăng huyết áp, nhìn đôi, hoang mang, mơ hồ, không xác định được thông tin, khó thở. Thừa nước cũng dễ xảy ra ở người bị bệnh thận, gan hoặc suy tim do cơ thể họ có cơ chế tích nước nhiều hơn.

Nếu không cảm thấy khát, ta không nên ép cơ thể uống thêm nước. Thông thường, nước tiểu của ta có màu vàng rơm đến vàng nhạt, nếu nó trong suốt, không màu, cho thấy cơ thể đã đủ nước, thậm chí thừa, không nên uống thêm. Đi tiểu quá nhiều vào ban đêm cũng là dấu hiệu khác cho thấy cơ thể thừa nước (đa số con người đi tiểu từ 6 - 8 lần trong một ngày là chuẩn, nếu uống quá nhiều nước, tần suất này sẽ tăng lên).

TIN LIÊN QUAN