Lễ hội chùa Hương sẽ diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 - 1/5 (tức từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 4 năm Ất Tỵ). Khoảng 4.000 xuồng đò được chuẩn bị cho việc phục vụ du khách. Đây là thông tin được công bố tại buổi họp báo do UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội tổ chức vào ngày 20/1 nhằm thông tin về công tác tổ chức và quản lý lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025.
Đồng chí Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương 2025 cho biết, Ban Tổ chức tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội với mục tiêu hướng đến khẳng định chùa Hương là một điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Ban tổ chức trao đổi về công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2025
Theo đó, Ban Tổ chức tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉnh trang cảnh quan, không gian lắp đặt panô, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 (từ Đốc Tín đi Hương Sơn) và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến để tạo cảnh quan cho du khách về tham quan thưởng ngoạn lễ hội.
Ngoài chương trình lễ hội có các hoạt động như: Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương gồm: Rối cạn Tế Tiêu, cồng chiêng người Mường, hoạt động hát chèo tại các câu lạc bộ trên địa bàn huyện...
Để giảm phiền hà cho du khách, tránh thất thoát nguồn thu từ phí cho ngân sách, huyện Mỹ Đức quyết định phát hành vé điện tử tham quan thắng cảnh tích hợp với sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò.
Bên cạnh đó tập trung nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Xuồng đò được sơn đồng màu theo quy định, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí….
Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò được bắt đầu từ 4h30 đến 20h hằng ngày.
Ban tổ chức cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp, gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mời gây ồn ào trong khu vực lễ hội, bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ; tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách, thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của thành phố...
Đối với dịch vụ vận chuyển bằng cáp treo từ chùa Thiên Trù đi động Hương Tích vé khứ hồi là 260.000 đồng đối với người lớn, 180.000 đồng đối với trẻ em và người được ưu tiên. Giá đi một lượt là 180.000 đồng đối với người lớn, 120.000 đồng đối với trẻ em và người ưu tiên.
Giá vé vận chuyển bằng xe điện từ bãi gửi xe đến bến đò là 20.000 đồng/người/lượt.
Giá vé trông phương tiện, huyện Mỹ Đức đang đề xuất thành phố Hà Nội cho phép thu phí đối với xe ô tô vận chuyển khách dưới 9 chỗ là 30.000 đồng/lượt, trên 10 chỗ là 50.000 đồng/lượt, nếu gửi qua đêm sẽ thu thêm 20.000 đồng/xe.
Tại họp báo, ban tổ chức cũng đã công bố quyết định công nhận khu Du lịch cấp thành phố đối với Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương).