Động lực phát triển mới
Bắc Kạn đẩy mạnh việc ứng dụng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số
Để thực hiện chuyển đổi số một cách khoa học và hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 03 tháng 8 năm 2021 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Đề án chuyển đổi số, kế hoạch ứng dụng CNTT/chuyển đổi số hàng năm phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của tỉnh. Các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với cải cách hành chính, hướng tới đối tượng phục vụ trung tâm là người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến 100% cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với 13.800 tài khoản người dùng. Hệ thống đảm bảo liên thông gửi, nhận văn bản 04 cấp qua trục liên thông văn bản quốc gia. Đến nay, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn toàn bằng điện tử đạt 91% (trừ các văn bản mật).
Hệ thống thư công vụ với 8.606 tài khoản được duy trì sử dụng hiệu quả. Năm 2023, hệ thống được tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thông tin. Hiện nay mức độ sử dụng đạt gần 85%.
Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đã số hóa 100% danh mục thuộc chế độ báo cáo và biểu mẫu báo cáo theo quy định; đồng thời kết nối, đồng bộ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.
Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng tiếp tục được duy trì sử dụng. Trong năm 2023, tỉnh đã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số chuyên dùng cho 502 giáo viên tại tất cả các trường học trên địa bàn 8 xã, phường thí điểm chuyển đổi số. Đến nay, tổng số thiết bị ký số chuyên dùng được cấp trên địa bàn tỉnh là 6.852 thuê bao.
Trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử để hình thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định và đã chuyển đổi sang công nghệ IPv6. Duy trì, hoàn thiện và thúc đẩy việc kết nối hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đến các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành Trung ương để kết nối đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, địa phương trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống có 136 đơn vị sử dụng, đạt tỷ lệ 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã có thủ tục hành chính; hệ thống cung cấp 1.771/1.771 thủ tục hành chính của tỉnh; tiếp nhận, xử lý 149.016 hồ sơ.
Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện lên toàn trình đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ (cả trực tuyến và không trực tuyến) đạt 91%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 45,8 %; tỷ lệ tài khoản của người dân, doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 38,7%.
Tỉnh triển khai kênh số khác (ngoài Cổng thông tin điện tử và dịch vụ công) để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến qua ứng dụng công dân số trên nền tảng di động “Smart Bac Kan”; ứng dụng phản ánh, kiến nghị qua Zalo “Bắc Kạn ngày mới”; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị qua email “thutuchanhchinh@backan.gov.vn”.
Trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cấp tỉnh và huyện, thành phố hoạt động ổn định đạt 100%. Ngoài ra, nhiều trang tin chuyên ngành như: Trang thông tin về cải cách hành chính, chuyển đổi số, du lịch, chữ ký số chuyên dùng, phổ biến giáo dục pháp luật...cũng được quan tâm triển khai. Việc cung cấp thông tin trên các Trang/cổng thông tin điện tử ngày càng kịp thời và đầy đủ hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ minh bạch hóa thông tin, công khai hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Cổng Thông tin điện tử tỉnh hiện nay đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật và được chuyển đổi sang công nghệ IPv6 từ năm 2020.
Giao diện ứng dụng phản ánh, kiến nghị Zalo “Bắc Kạn ngày mới”
Hiện nay, hệ thống thông tin chuyên ngành đang được các đơn vị duy trì sử dụng và thực hiện việc cập nhật bổ sung dữ liệu trên hệ thống quản lý chất lượng giáo dục của tỉnh; hệ thống thông tin tiền lương; hệ thống thông tin đất đai.
Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành Y tế được được triển khai, nâng cấp phát huy tốt hiệu quả sử dụng. Đến nay, số lượng người dân được tạo lập dữ liệu là 353.785 hồ sơ, 100% hồ sơ ban đầu của người dân trong tỉnh được cập nhật trên hệ thống; 91% người dân đã được chuẩn hóa các thông tin hành chính; 100% đơn vị khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện HIS, quản lý trạm Y tế và truyền dữ liệu lên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm Y tế; triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến 10 điểm cầu; triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi cho mọi nhà” cho 119 đơn vị khám chữa bệnh do Bộ Y tế hỗ trợ và triển khai phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân.
Thực hiện chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cài đặt, sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt triển khai tại bệnh viện cấp tỉnh và trung tâm Y tế các huyện, thành phố đạt từ 20 - 25%.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai mô hình hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tại 02 hợp tác xã. Hỗ trợ đèn chiếu sáng giả lập sáng mặt trời, hệ thống tưới tự động, quạt đối lưu, cảm biến ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm đất, độ ẩm không khí điều khiển tự động qua điện thoại thông minh. Năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Việc sử dụng hoá đơn điện tử được Cục Thuế tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện hoá đơn điện tử đối với mặt hàng xăng dầu. Đến nay 100% doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện việc kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế thông qua phương thức điện tử; 100% tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện đăng ký hóa đơn điện tử trên hệ thống.
Quyết tâm ứng dụng công nghệ số
Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh còn những hạn chế nhất định. Tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp, chưa đạt tỷ lệ theo quy định.
Việc kết nối, chia sẻ và đưa vào khai thác sử dụng các dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin có phạm vi từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa khai thác sử dụng một cách đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh chưa kết nối được với nhau để tạo thuận lợi cho người dùng chia sẻ, sử dụng lại thông tin, giảm bớt thao tác cho cán bộ, công chức, viên chức.
Nhận thức, kỹ năng số, thói quen số của Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Nhân dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Một số xã vùng sâu vùng xa, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đảm bảo; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn ít.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số, thông qua việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số sẽ góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Qua đó tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.