Tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 sau khi xét nghiệm tại TP. HCM đã giảm

(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 được xác định từ việc lấy mẫu xét nghiệm tại TP. HCM đã giảm, đây là tín hiệu khả quan.

Trong chiều 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 và họp Ban Chỉ đạo.

Thông tin cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống, dịch bệnh COVID-19. Các Phó Ban Chỉ đạo gồm: ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong buổi họp này, Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những báo cáo nhanh về kết quả chống dịch sau hai ngày tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, số liệu thống kê bước đầu tại TP. HCM cho thấy mức độ người dân đi lại giảm 80% so với những ngày trước.

Lực lượng y tế đã triển khai lấy khoảng 500.000 mẫu xét nghiệm COVID-19. Kết quả xác định tỷ lệ nhiễm khoảng 3,6%, giảm so với trước đây (khoảng 4-5%, cá biệt có nơi tới 10%). “Đây là tín hiệu khả quan” – ông Long nhận định.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đưa vào hoạt động 393 trạm y tế lưu động, các trạm đều được trang bị các trang thiết bị khám chữa bệnh, bình ô xy và các loại thuốc điều trị cần thiết, hoạt động 24/7. Điều này giúp người dân TP. HCM cảm thấy an tâm khi được các cán bộ y tế đi vào từng khu vực phát thuốc, khám bệnh, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ, do vậy các thành viên Ban Chỉ đạo phải triển khai ngay những gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng.

Theo Thủ tướng, việc thực hiện giãn cách phải được thực hiện nghiêm, đảm bảo an sinh xã hội, trước hết là không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Mọi người dân cần được tiếp cận dịch vụ y tế ở mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất. Đây là lý do của việc tăng cường hệ thống y tế xã, phường, giúp giảm tải cho y tế tuyến trên, giảm số ca tăng nặng, tử vong.

Cùng với đó, công tác xét nghiệm phải được tổ chức thực sự khoa học, hợp lý; việc tiêm vaccine cần nhanh chóng, hiệu quả, cộng với thuốc điều trị.

TIN LIÊN QUAN