Nhiều sản phẩm địa phương có thế mạnh
Tuyên Quang là tỉnh có 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 46 xã, 570 thôn đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm trên 56,76%.
Đây là nơi có địa hình chủ yếu là đồi núi, với hệ thống công trình thủy lợi đa dạng và phong phú, thuận lợi cho tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Thêm vào đó, điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng. Chính vì thế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá trở thành lựa chọn hàng đầu để giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tuyên Quang vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống kinh tế.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngay sau khi Trung ương triển khai Chương trình, năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo, tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án khác.
Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản mà tỉnh có thế mạnh. Rất nhiều mô hình sản xuất đã ra đời và đạt được thành công, góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể, Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản mà tỉnh có thế mạnh. Rất nhiều mô hình sản xuất đã ra đời và đạt được thành công, góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để tháo gỡ khó khăn, khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, theo ông Hoàng Anh Cương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, ngành Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên tổ chức các chương trình hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Tuyên Quang, tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Theo đó, các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP của bà con vùng đồng bào dân tộc đã được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee…
Không chỉ tăng cường thúc đẩy, kết nối tiêu thụ các sản phẩm trong nước, hiện, Sở cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu cho các sản phẩm. Trong đó, có sự tham gia và hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, Liên minh xúc tiến ACTONE Global đã kết nối với đầu mối của Liên minh tại một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm tại Tuyên Quang.
Theo bà Vũ Thị Oanh - Chủ tịch Liên minh xúc tiến thương mại ACTONE Global, việc kết nối trực tiếp với đầu mối của Liên minh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh Tuyên Quang hiểu rõ về các thị trường, nắm những yêu cầu cơ bản về tiêu thụ sản phẩm của các quốc gia, đề xuất phương án giúp việc đưa các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đến thị trường quốc tế và một số chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh.
Đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm
Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, tăng cường bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử; Xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích chủ thể mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của các sản phẩm do doanh nghiệp không sản xuất hoặc sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn cũng như không có tiềm năng phát triển.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong nước, hướng tới thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng sẽ cần nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tuyên truyền, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ sản lượng, sản xuất phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng; các chủ thể OCOP cần phân định rõ các khâu trong xây dụng và nâng cao chất lượng sản phẩm (gồm 3 phân khúc sản xuất – chế biến – tiêu thụ). Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, giảm áp lực mùa vụ, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.