Tuyến Đại lộ Khoa học đầu tiên của Việt Nam, sở hữu trung tâm khoa học vũ trụ thứ 2 của Đông Nam Á: Là nơi hội tụ của 11 giáo sư đoạt giải Nobel

Nơi đây trở thành điểm đến của 11 giáo sư đoạt giải Nobel và hơn 2.500 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.

Đại lộ Khoa học tọa lại tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), được khởi công xây dựng từ năm 2013. Nơi đây trở thành điểm đến của 11 giáo sư đoạt giải Nobel và hơn 2.500 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.

Con đường này bắt đầu từ Quốc lộ 1D, dẫn vào khu đô thị khoa học. Dọc theo tuyến đường, du khách sẽ thấy Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục ICISE, Tổ hợp Không gian Khoa học cùng các viện nghiên cứu, FPT Software và nhiều công trình khác. Đường uốn quanh dãy núi rồi vươn ra biển, tạo nên khung cảnh thơ mộng và yên tĩnh, rất phù hợp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tuyến Đại lộ Khoa học tại TP. Quy Nhơn (Nguồn ảnh: Báo Thanh niên)

Tại số 07 Đại lộ Khoa học là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên Ngành (ICISE) trải rộng gần 22ha. Kiến trúc của công trình do Jean-Francois Milou – một kiến trúc sư người Pháp – và cộng sự thiết kế, hài hòa với thiên nhiên.

Công trình nằm ẩn mình giữa rừng dừa, bên phải là vách núi, ở giữa là dòng sông uốn lượn quanh những ruộng lúa và ao tôm. Diện tích xây dựng chỉ chiếm hơn 7%, phần còn lại được dành cho cảnh quan và khu bảo tồn thiên nhiên nhỏ. Công trình này được xếp vào danh sách 16 kiến trúc đẹp nhất thế giới dành cho khoa học và giáo dục.

Tiếp theo là Trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn - trung tâm khoa học vũ trụ đầu tiên tại Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á (sau Singapore). Tổ hợp có diện tích hơn 12ha, với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, bao gồm ba hạng mục chính: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng khoa học, và Trạm quan sát thiên văn.

Tòa nhà chính của khu tổ hợp rộng khoảng 7.200m2 với hai khu vực chính: Nhà chiếu hình vũ trụ và Khu khám phá khoa học.

Các chủ đề như Hệ Mặt trời, Khám phá vật chất, Sao Hỏa, và nhiều chủ đề khác được tái hiện một cách sinh động qua các phòng trưng bày, thu hút người tham quan với những góc sống ảo độc đáo và khơi gợi đam mê khám phá khoa học. Giá vé tham quan dao động từ 40.000-150.000 đồng tùy vào lựa chọn.

Một trong những điểm nổi bật của trung tâm là Trạm quan sát thiên văn sử dụng kính thiên văn quang học có đường kính 60cm - loại lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Trạm còn trang bị các thiết bị hỗ trợ quan sát khác, phục vụ cho nghiên cứu và phổ biến kiến thức về các hành tinh trong hệ Mặt trời và các thiên hà xa xôi.

Tổ hợp không gian khoa học tại TP. Quy Nhơn

Gần kề Trung tâm khám phá khoa học là Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software Quy Nhon.

Với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng trên diện tích hơn 15ha - nơi đây sẽ là môi trường làm việc, học tập và nghiên cứu cho 20.000 nhân sự trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến việc đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Đông Nam Á.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ hợp này còn cung ứng các dịch vụ công nghệ cao dựa trên các xu hướng như AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, và tự động hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

FPT Software còn đề xuất xây dựng một cổng chào Đại lộ Khoa học, nằm ngoài khuôn viên dự án. Cổng chào này sẽ là điểm nhấn cho toàn bộ Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa.